World Bank đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam

Sáng 9/5, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam Ousmane Dione đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione, giải pháp đầu tiên là hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nhưng cũng là những doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có sức bật trở lại một cách nhanh chóng khi nền kinh tế dần được phục hồi.

Để tránh những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài lên nền kinh tế và người lao động, điều tối quan trọng là các doanh nghiệp có khả năng đứng vững không rút lui khỏi thị trường và các định chế tài chính tiếp tục cung cấp tín dụng và vốn lưu động cho các doanh nghiệp này một cách bền vững. Một điều nữa không kém phần quan trọng là các biện pháp này không được làm trầm trọng hơn rủi ro tài chính. Chính phủ có nhiều công cụ khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ tài chính qua miễn giảm và giãn thuế; cấp phát ngân sách và giảm các loại phí; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lịch sử tín dụng tốt và có khả năng trả nợ; hỗ trợ tiền mặt một lần cho các doanh nghiệp phi chính thức quyết định đăng ký chính thức; hay Quỹ hỗ trợ đặc biệt cung cấp vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức lãi suất cố định hàng năm; Quỹ Đoàn kết du lịch  với mục đích khuyến khích du lịch đến một số điểm nhất định do cơ quan quản lý quyết định, tặng voucher giảm giá du lịch kết hợp hàng không và các khu nghỉ dưỡng; và thuế thu nhập đặc biệt cho người dân nếu chi tiêu cho du lịch…

Việt Nam đã và đang đi theo hướng này, đặc biệt là thông qua một loạt các biện pháp mà Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhằm giảm khó khăn thanh khoản và nới lỏng điều kiện tín dụng cũng như các gói hỗ trợ mà Chính phủ công bố hồi đầu tháng 4vừa qua.

Giải pháp thứ hai là khuyến khích điều chuyển nguồn lực từ doanh nghiệp ít có khả năng phục hồi nhanh hoặc những doanh nghiệp phải thay đổi cách thức làm ăn kinh doanh do ảnh hưởng của COVID-19, với cách thức kinh doanh mới theo hướng “không tiếp xúc trực tiếp”.

Chính phủ có thể khuyến khích điều chuyển nguồn lực cho các hoạt động mang lại mức sinh lời cao hơn. Như ở Singapore, lái xe tắc xi có thể được khuyến khích chuyển sang giao hàng, một việc đang được mở rộng về quy mô. Tương tự, có thể khuyến khích việc xây dựng các nền tảng công nghệ số bảo mật để phát triển khám chữa bệnh từ xa, hoặc các cửa hàng đang bán hàng trực tiếp mở kênh bán hàng qua mạng. Về mặt đối ngoại, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp đang muốn chuyển hoạt động sang các thị trường dự kiến sẽ mở cửa trở lại nhanh hơn để tạo sức mạnh tổng hợp và tạo cơ hội. Việt Nam nên cân nhắc các “hành lang kinh tế không có corona” để mở lại du lịch và đi lại với các nước như Hàn Quốc, Australia, New Zealand, sử dụng các biện pháp khuyến khích như visa nhiều lần và dài hạn và cùng nhau áp dụng các biện pháp y tế để bảo vệ du lịch và đi lại để lấy lại lòng tin cho du khách. Cũng vậy, cần có nỗ lực xúc tiến đầu tư mang tính chiến lược và có mục tiêu để thu hút các công ty đa quốc gia hiện đang cân nhắc dịch chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc.

Giải pháp thứ ba là, cần cân nhắc các hành động mang tính hỗ trợ để giúp Việt Nam đạt được khát vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao trong tương lai.

Với tầm nhìn này, theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione, một nhóm các phương án mà Chính phủ có thể cân nhắc trong những tháng tới. Đó là: Tối ưu hóa đầu tư công như một cách để kích thích các hoạt động của khu vực tư nhân thông qua hợp đồng hiệu quả (ví dụ như đơn giản hóa quá trình thầu và tham gia vào các hoạt động công ích của doanh nghiệp vừa và nhỏ với ưu tiên cho các nhà thầu vừa và nhỏ và đặc biệt nhỏ để tăng hoạt động kinh tế). Tận dụng tối đa nghị trình số hóa qua việc giảm thiểu chi phí giao dịch cho cả phía chính phủ và doanh nghiệp. Bảo vệ việc làm và tạo việc làm, thúc đẩy phát triển nguồn vốn con người thông qua các chương trình an sinh xã hội và đào tạo được thiết kế tốt (ví dụ như hỗ trợ công ty giữ lại những nhân viên lớn tuổi và trung tuổi đào tạo lại, cùng trả lương cho thực tập sinh đi tìm việc lần đầu ở các công ty).

Ba lĩnh vực này sẽ tạo ra lợi thế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân trong ngắn hạn, đồng thời sẽ tạo ra lợi ích về năng suất trong dài hạn.

Cuối cùng, giải pháp trong thời điểm khủng khoảng cũng bao gồm việc chấp nhận rủi ro. Vì vậy, các nhà lập chính sách cần được trao quyền để hành động một cách quyết liệt với rủi ro đã biết và được ghi nhận xứng đáng khi sáng tạo hay có thành công.

Nhật Quang