Vướng loạt tai tiếng, vaccine AstraZeneca có còn là “chìa khóa” để chấm dứt đại dịch toàn cầu?
Đã từng được hy vọng là “chìa khóa” mở cửa lại nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới song với hàng loạt sự cố xảy ra thời gian gần đây đối với vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã khiến người dân dần mất niềm tin vào hãng dược phẩm này

Từ cứu cánh trở thành lực cản cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu
Do giá thành rẻ hơn và dễ bảo quản hơn so với Pfizer và Moderna, vaccine Covid-19 của AstraZeneca được coi là bước đột phá lớn, nhất là cho các quốc gia kém phát triển hơn với mạng lưới logistics thô sơ. Thời điểm cuối tháng 12/2020, Vaccine này được phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Anh và 1 tháng sau tiếp tục được phê duyệt sử dụng tại EU
Hãng dược AstraZeneca cũng bày tỏ sự thiện chí khi cam kết cung cấp vaccine không lợi nhuận trong đại dịch; hợp tác với Viện Huyết thanh Ấn Độ để sản xuất hơn 1 tỷ liều cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Đồng thời hãng cũng đã cung cấp hơn 30 triệu liều cho hơn 58 quốc gia thông qua Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu Covax. Tính đến cuối tháng 3/2021, có đến 50% nguồn cung vaccine cho Chương trình này là từ AstraZeneca. Thống kê cho thấy AstraZeneca đã nhận được số đơn hàng 2,4 tỷ liều, tương đương với 28% nhu cầu vaccine toàn cầu.
Tuy nhiên, hàng loạt rắc rối gần đây đã làm xấu đi hình ảnh và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hãng dược phẩm này. Đỉnh điểm là việc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra công bố tỷ lệ có huyết khối sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca là 4,6/1 triệu người, cao hơn so với vaccine Moderna, Pfizer. Con số này được EMA công bố sau khi xác nhận đông máu là tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine Covid-19 AstraZeneca.
Sự nghi ngờ về độ an toàn của vaccine AstraZeneca có thể còn có tác động lớn hơn với các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình. Với đặc thù giá rẻ, dễ bảo quản, rất nhiều quốc gia trong nhóm này phụ thuộc vào AstraZeneca để mở cửa lại nền kinh tế.
Mặc dù không đưa ra khuyến cáo hạn chế sử dụng song giới chức dược phẩm châu Âu cho biết có thể có sự liên quan giữa vaccine Covid-19 của AstraZeneca với các trường hợp đông máu hiếm hoi. Tuần trước, Đức đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca đối với nhóm người dưới 60 tuổi. Australia cũng phát đi thông báo sẽ không tiêm vaccine này cho người dưới 50. Còn giới chức dược phẩm Anh thì khuyến nghị những người dưới 30 tuổi không nên tiêm vaccine AstraZeneca. Đây thực sự là một cú sốc lớn đối với AstraZeneca. Trước đó sự trì trệ trong quy trình thử nghiệm và sản xuất vaccine làm chậm tiến độ tiêm chủng tại châu Âu cũng đã khiến hãng dược phẩm này gánh chịu nhiều chỉ trích
Vừa qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 lên con số 6%; tuy nhiên ước tính này còn phụ thuộc vào tốc độ tiêm vaccine. Và giờ đây, giữa bối cảnh nguồn cung thiếu hụt, cộng với việc các nước đưa ra hạn chế mới khi sử dụng AstraZeneca sẽ trở thành trở ngại lớn cho đà phục hồi tại nhiều nước mà vaccine này được xem là chìa khóa để chấm dứt đại dịch. Về phía Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 7/4 đã ra thông báo “dựa trên thông tin hiện tại, mối liên hệ giữa vaccine này và các trường hợp đông máu là có khả năng, nhưng chưa thể khẳng định”.
Còn đó nhiều quan ngại
Tháng trước, khi nộp số liệu thử nghiệm cho giới chức dược phẩm Mỹ, AstraZeneca đã vướng phải rắc rối. Cụ thể Viện quốc gia Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại rằng những số liệu này “đã cũ”. Ngay lập tức AstraZeneca đã nộp lại dữ liệu điều chỉnh nhưng lại bị Giám đốc Viện quốc gia Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ – tiến sĩ Anthony Fauci gọi là “sai sót tự nhiên”.
Hiện tại lo ngại về tác dụng phụ đông máu đã buộc chính phủ nhiều nước phải đánh giá lại rủi ro cũng như lợi ích của việc tiêm chung cho mọi lứa tuổi. Phía Mỹ thông báo đã có đủ vaccine chất lượng tốt và không cần vaccine AstraZeneca; tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng có điều kiện tốt như vậy. Bằng chứng là Ấn Độ vẫn đang phải dựa vào AstraZeneca trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng vọt.
Jeffrey Lazarus – Giám đốc nghiên cứu sức khỏe tại Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona bày tỏ hy vọng AstraZeneca sẽ được chuyển đến những nước cần hơn trong trường hợp các nước giàu muốn giảm phụ thuộc vào vaccine này. “Các số liệu cho thấy AstraZeneca vẫn an toàn, hơn nữa nhiều quốc gia không còn lựa chọn khác do vấn đề vận chuyển và giá thành. Tôi chỉ lo ngại rằng các thông tin tiêu cực gần đây sẽ khiến mọi người không dám tiêm vaccine này nữa” – ông Jeffrey Lazarus nói
Quốc Anh