Viettel sẽ sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu
Đây là đề xuất của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xoay quanh nội dung phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng nền kinh tế độc tập, tự chủ và hội nhập; thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo lãnh đạo Viettel, việc nghiên cứu, sản xuất chip điện tử là yêu cầu vô cùng cấp bách nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, đặt trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.
Cùng với đề xuất được phép nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu, lãnh đạo Viettel cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn được: triển khai nền tảng chuyển đổi số quốc gia, làm trung gian thanh toán chuyển mạch và bù trừ điện tử; nghiên cứu công nghệ năng lượng xanh, hiện đại hóa các cở sở hạ tầng quan trọng như giao thông vận tải, logistics, đô thị, khoa học công nghệ…; triển khai thực hiện một số nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, phát huy thế mạnh và thể hiện vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, an toàn, an ninh mạng, xây dựng.
Về mặt cơ chế, Viettel xin được tăng tính chủ động trong công tác đầu tư, tiền lương và tổ chức, sắp xếp lại đơn vị nội bộ; thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho hoạt động đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Lãnh đạo Tập đoàn cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ bổ sung hành lang pháp lý mới cho các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có đề xuất Thủ tướng nghiên cứu cơ chế để đánh giá trên nguyên tắc hiệu quả đầu tư trên tổng thể thay cho việc dựa trên các khoản mục, dự án đầu tư riêng lẻ.
Tán thành các đề xuất của Viettel, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Tập đoàn phải tập trung xây dựng và phát triển, là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; xây dựng, phát triển nền công nghiệp sản xuất thiết bị dân sự, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Tập đoàn sớm bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất chip điện tử để phục vụ đắc lực, hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Thủ tướng giao các Bộ trưởng, trưởng ngành nghiên cứu; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo để xem xét, quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Viettel tham gia tích cực vào chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; chuyển đổi kinh tế xanh; góp phần bảo vệ trái đất, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, quản trị quốc gia để xây dựng các mô hình đa dạng hơn, phù hợp từng giai đoạn, thích ứng hiệu quả. Thủ tướng tin tưởng với cách làm sáng tạo, bề dày truyền thống, Viettel sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thắng lợi mới, chinh phục những đỉnh cao mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.
Là doanh nghiệp dẫn đầu về viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam, những năm gần đây Viettel luôn duy trì mức lợi nhuận trước thuế trên 40.000 tỷ đồng/năm, tỉ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu luôn duy trì trên 25%. Tập đoàn cũng là doanh nghiệp tiên phong và hiệu quả trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài với 10 thị trường có tổng dân số 260 triệu dân, tại 3 châu lục; trong đó 7/10 thị trường nước ngoài của Viettel đã có lãi, dòng tiền về nước ở mức 250-350 triệu USD mỗi năm. Hiện tại Tập đoàn thu về khoảng 900 triệu USD, tương đương trên 60% tổng vốn đầu tư. Hai năm liên tiếp (2020, 2021), Viettel được vinh danh là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á |
Thành Lương