Việt Nam nên thu hút đầu tư vào những ngành công nghệ cao hơn

Đó là khuyến nghị của ông Nicolas Audier – Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông xoay quanh nỗ lực của Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI nói chung – vốn từ EU nói riêng.

Theo ghi nhận của ông Nicolas Audier, mặc dù 3 tháng đầu năm nay đã có nhiều khoản đầu tư rất lớn vào Việt Nam song nếu nhìn vào bức tranh rộng hơn, có thể thấy xu hướng này đã bắt đầu từ rất lâu trước đó. Làn sóng này đã được thúc đẩy bởi các yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… hay thành công trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân EU là đối tác đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam song trong số các các quốc gia thành viên, chưa quốc gia nào đứng trong top 10 quốc gia có đầu tư lớn vào Việt Nam, nguyên Chủ tịch EuroCham cho rằng EU vốn là một khối có thẩm quyền về thương mại của 27 quốc gia, chính vì vậy những quy chuẩn về đầu tư hay xuất nhập khẩu thường được gộp chung lại vào từ EU. Tuy nhiên nếu nhìn về khía cạnh riêng lẻ, những số liệu đưa ra so sánh chưa phải là con số tuyệt đối. Đơn cử như Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong khối EU song trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư từ Hà Lan không phải trực tiếp, mà chỉ là trung gian. Tương tự nhiều khoản đầu tư của EU nhưng sẽ không trực tiếp từ EU vào Việt Nam mà thông qua các quốc gia và vùng lãnh thổ trung gian khác như Singapore, Hồng Kông.

Có thể thấy phần lớn các dự án đầu tư của EU tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài bởi các doanh nghiệp muốn tuân thủ các quy tắc quản trị của riêng họ. Tuy nhiên điều này sẽ cần phải thay đổi, bởi các doanh nghiệp đang đạt được những thỏa thuận tại Việt Nam, hoạt động tại Việt Nam. “Tôi cho rằng liên kết giữa FDI và khu vực trong nước đã được cải thiện rất nhiều bởi các doanh nghiệp FDI sẽ phải làm việc với các nhà cung cấp, khách hàng tại Việt Nam. Đơn cử như nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu máy móc trong ngành dệt may thì đương nhiên phải làm việc với doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn chung các doanh nghiệp hai bên không thể hoạt động đơn lẻ, họ đều đang ở trong chuỗi giá trị” – ông Nicolas Audier nhấn mạnh

Mặc dù trong quá khứ, Việt Nam rất thành công trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, gia công chế biến, chế tạo song ở thời điểm hiện tại, ông Nicolas Audier cho rằng Việt Nam nên thu hút đầu tư vào những ngành công nghệ cao hơn để tăng giá trị gia tăng, học hỏi thêm chuyên môn và kiến thức. Thời gian qua trình độ chuyên môn và kiến thức của lao động Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và đây sẽ là động lực “kéo” các dự án có giá trị gia tăng cao cho Việt Nam.

Với cơ hội rộng mở, Việt Nam nên đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế mới. Ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay có nền tảng rất tốt cho các doanh nghiệp startup. “Tôi hy vọng một ngày nào đó Việt Nam sẽ có Bill Gates Việt Nam, Elon Musk Việt Nam. Xa hơn, chúng ta có thể tạo ra Thung lũng Silicon và bất cứ địa phương nào trên cả nước đều có tiềm năng trở thành Thung lũng nổi tiếng này” – ông Nicolas Audier bày tỏ

Đánh giá về thực trạng thu hút vốn FDI tại các địa phương trong cả nước, nguyên Chủ tịch EuroCham nhận định thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa đồng đều, nhiều nguồn vốn FDI đang đổ vào Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòa Bình. Nhưng vấn đề ở đây là, 10 năm trước, 15 năm trước, câu chuyện về đầu tư tại các địa phương này là hoàn toàn xa lạ. Nếu như trước đó việc di chuyển từ Hà Nội đến Hà Giang phải mất đến 2 ngày thì hiện tại đã rút ngắn chỉ còn 6 hoặc 7 tiếng nếu thời tiết tốt. Điều này đơn giản bởi Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt hơn trước rất nhiều. Như vậy để thu hút đầu tư vào những vùng sâu vùng xa, Việt Nam chỉ cần thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay, hệ thống nước…

Ngọc Trung