Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nông sản của Campuchia

Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động thương mại biên giới gặp nhiều trở ngại song hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Campuchia vẫn có những “điểm sáng” tích cực. Riêng năm 2021 vừa qua, Việt Nam chiếm gần 80% giá trị kim ngạch nông sản Campuchia xuất khẩu.

Nông dân Campuchia thu hoạch lúa. Ảnh: Fintrac Inc

Hiện nay các mặt hàng nông sản chính mà Campuchia xuất khẩu có thể kể đến lúa, gạo, cao su, sắn, xoài, ngô, chuối, hạt điều…Theo thống kê của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, năm 2021 quốc gia này đã xuất khẩu tổng cộng 7,98 triệu tấn nông sản sang thị trường 70 nước, tăng khoảng 63,83% so với cùng kỳ năm 2020; tổng giá trị xuất khẩu nông sản đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong đó Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nông sản của Campuchia với trên 3,5 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm ngoái.

Trong năm 2021, Campuchia đã xuất khẩu 3,5 triệu tấn thóc sang Việt Nam, tăng 61% so với năm ngoái. Các nông sản khác xuất sang Việt Nam như sắn tươi, hạt điều, hạt tiêu, đậu xanh…cũng liên tục tăng từ 10-400%. Đáng chú ý Campuchia đã xuất khẩu sang Việt Nam gần 1 triệu tấn hạt điều, tăng 4,6 lần so với năm ngoái và đây cũng là mức cao lịch sử trong hoạt động xuất khẩu của nước này.

Bên cạnh các nhóm hàng trên thì trái cây Campuchia như: bưởi, chuối, xoài cũng tăng sản lượng vào thị trường Việt Nam với số lượng từ vài chục đến vài trăm nghìn tấn, giá cả cũng rất cạnh tranh.

Tại buổi gặp gỡ trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhom khẳng định Việt Nam dẫn đầu trong 70 quốc gia nhập khẩu nông sản nước này. Riêng trong năm 2021, dù gặp khó khăn do dịch bệnh song hợp tác trên lĩnh vực trồng cây công, nông nghiệp giữa hai nước vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, riêng các công ty Việt Nam đầu tư trồng cao su tại Campuchia đã cho thu hoạch mủ trên diện tích đất 100.000 ha, đạt giá trị xuất khẩu khoảng 200 triệu USD trong 11 tháng của năm 2021. Không chỉ mang lại nguồn ngoại tệ, các vùng trồng cao su còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 33.000 lao động địa phương.

Không kém cạnh cao su, các công ty trồng cây ăn quả của Việt Nam cũng đóng góp số lượng hơn 50% giá trị xuất khẩu chuối của Campuchia, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 14.000 lao động”.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết nếu như trước đây nông sản Campuchia chủ yếu xuất sang Thái Lan, Trung Quốc thì nay đã chuyển hướng xuất khẩu nhiều sang thị trường Việt Nam. Nguyên nhân của sự chuyển dịch này là do gần đây, người dân và doanh nghiệp Việt có xu hướng sang Campuchia thuê đất nông nghiệp để trồng khoai, sắn, mía, ngô hay nuôi bò… để tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn rất lớn, giá cho thuê lại thấp tại quốc gia này. Các loại nông sản sau khi thu hoạch sẽ được đưa trở về Việt Nam tiêu thụ nên mới có tình trạng nông sản Campuchia xuất khẩu qua nước ta tăng đột biến trong năm nay.

Theo ghi nhận của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), xét trong khu vực Đông Nam Á, Campuchia là quốc gia có sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với các mặt hàng nông sản nhờ ưu điểm năng suất cao, chất lượng ngày càng cải tiến, được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Còn theo ông Sok Yorn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá, Thịt và Rau củ An toàn của Campuchia, so với những năm trước đây, diện tích trồng nông sản tại Campuchia đang tăng đáng kể từ 2-3 lần. Tuy nhiên để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, người nông dân cần canh tác theo đúng tiêu chuẩn sản xuất; đồng thời giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm đảm bảo độ an toàn cho người tiêu dùng.

Như Vân