Việt Nam hướng đến đối tác thương mại TOP 10 của Hoa Kỳ
Sáng nay, 10/5 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ: Kỷ niệm 25 năm Thương mại và Đầu tư. Hội nghị tập trung thảo luận các biện pháp nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế song phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và đồng chủ trì Hội nghị cùng Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.
Hơn 250 đại diện chính phủ và lãnh đạo ngành của 2 quốc gia đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ: Kỷ niệm 25 năm Thương mại và Đầu tư.
Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2019 tập trung thảo luận các biện pháp nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế song phương, dựa trên cơ sở những động lực tích cực hiện tại và giải quyết nhiều lĩnh vực mà các bên còn chưa nhất quán, chưa hiệu quả và thực tiễn.
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển nhanh và vượt bậc dựa trên quy mô và chiều sâu.
Phó Thủ tướng đề cập đến chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hoa Kỳ trên cương vị là nhà lãnh đạo ASEAN đầu tiên sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng là người đứng đầu Nhà Trắng đầu tiên thăm Việt Nam 2 lần trong 1 nhiệm kỳ.
“Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu và mong muốn thúc đẩy hợp tác, trong đó kinh tế, thương mại và đầu tư đóng vai trò cột trụ trong mối quan hệ giữa 2 nước”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, khi kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng 130 lần với 450 triệu đô la vào năm 1994 lên 60 tỷ đô la năm 2018. Ngoài ra, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đã tăng gần 40% trong năm 2018.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần 2 nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ lần 2 tại Hà Nội, lãnh đạo 2 nước đã chứng kiến hoạt động ký kết các hợp đồng thương mại trị giá gần 21 tỷ đô la.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang ngày càng phức tạp, Việt Nam quyết tâm hội nhập sâu rộng vào thể chế đa phương, thông qua việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và tham gia phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết và nhấn mạnh: “Việt Nam là thị trường hơn 90 triệu dân với nguồn lao động trẻ. Cùng với đó, nỗ lực đổi mới và vị thế ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế cho thấy Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài”.
Chủ tịch AmCham Natasaha Ansell khẳng định: “Các Doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công tiếp nối của Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ để phát triển khu vực tư nhân”.
Đánh giá về mối quan hệ giữa Doanh nghiệp 2 nước, bà Ansell cho biết: “Các Doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ đô la tại Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cho lao động Việt Nam và mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ. Quan trọng nhất, các công ty của chúng tôi hiểu mối liên kết giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội, đồng thời nỗ lực hết mình để tiến hành kinh doanh theo cách tạo ra đồng thời giá trị kinh tế và xã hội lâu dài”.
Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Charles Freeman – Phó Chủ tịch cấp cao châu Á tại USCC cho biết: “Các thành viên của chúng tôi rất tập trung vào Việt Nam và lạc quan về tiềm năng phát triển của thị trường này. Chúng tôi tiếp tục tin rằng mục tiêu dài hạn của Hoa Kỳ và Việt Nam là có một thoả thuận thương mại tự do giữa 2 bên”.
Trong khi đó, Chủ tịch VCCI Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Phát triển bền vững, đổi mới và hội nhập, đang là những từ khóa quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam đang hướng tới một cơ cấu đầu tư và thương mại có chất lượng cao hơn và bền vững hơn”.
Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng của Việt Nam trên hành trình thực hiện mục tiêu này, thông qua việc hợp tác với Doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án tiềm năng trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ số, y tế, và nhiều lĩnh vực khác.
Chủ tịch VCCI kỳ vọng với sự hợp tác của Doanh nghiệp Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ không chỉ có các công xưởng mà còn cả những “Thung lũng Silicon châu Á”, qua đó góp phần định hình tương lai nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh ý kiến các diễn giả, hội nghị cũng gồm các cuộc thảo luận về các vấn đề quan trọng tới sự phát triển kinh tế Việt Nam, bao gồm: Thúc đẩy đầu tư và chính sách bền vững; thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai thông qua nền kinh tế kỹ thuật số; sử dụng internet để làm động lực cho tăng trưởng và đổi mới; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng của Việt Nam và cách để Việt Nam hưởng lợi từ diễn biến thương mại toàn cầu hiện nay.
Minh Vương