Việt Nam – EU ký Hiệp định thương mại tự do, Thái Lan lo ngại rủi ro…

Theo Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại của Thái Lan, sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) vào ngày 30/6 vừa qua, xuất khẩu ô tô, máy tính và mạch điện của Thái Lan sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức…

Theo cơ quan này, vào năm 2015 EU đã gạt Thái Lan ra khỏi hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (General System of Preference – GSP), do đó tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Xứ sở chùa Vàng sang EU đều bị đánh thuế. “Hiệp định EVFTA và EVIPA đã được ký kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội với thời hạn hiệu lực vào năm 2019. FTA này là thỏa thuận toàn diện và đầy tham vọng nhất mà EU đã ký kết với một quốc gia đang phát triển. Nhờ vào hai Hiệp định này, Việt Nam có thể tận dụng được nhiều lợi thế và lợi ích hơn so với Thái Lan” – bà Pimchanok Vonkorpon – Giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại (Bộ Thương mại Thái Lan) nhận định.

Trong EVFTA, việc giảm thuế hải quan là hai chiều. Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu EU sang Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong thời gian tối đa là 10 năm. Ở chiều ngược lại, EU cam kết xóa bỏ 71% thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Việt Nam kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình trong vòng 7 năm. “EVFTA bao gồm 99% sản phẩm xuất khẩu từ cả hai lãnh thổ. Với EVIPA, EU sẽ giúp Việt Nam phát triển về đầu tư, thực thi pháp luật và minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút dòng vốn FDI” – bà Pimchanok nói nhấn mạnh.

Bà Pimchanok cũng lưu ý các nhà cung cấp ô tô Thái Lan cần chuẩn bị cho kịch bản các hãng sản xuất xe hơi sẽ di dời cơ sở sản xuất tới Việt Nam. Về mặt nội lực, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan cần chú trọng cải thiện tính hiệu quả và đẩy nhanh sản xuất các dòng xe thế hệ mới.

Ngoài sản xuất ô tô, EVFTA và EVIPA còn tác động đến các ngành hàng khác của Thái Lan như: dệt may, đồ trang sức/phụ kiện, chế biến gạo và thủy hải sản. “Việt Nam có nguồn nhân công giá rẻ, lại rất dồi dào và đây là một lợi thế rất lớn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Thái Lan cần phát triển lực lượng lao động lành nghề; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm” – bà Pimchanok khuyến nghị.

Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại Thái Lan cũng bày tỏ sự lạc quan rằng cũng như Việt Nam, EU sẽ sớm có các cuộc đàm phán hiệp định tự do với Thái Lan bởi khối liên minh kinh tế khổng lồ này luôn muốn tiếp cận với ngành sản xuất thuốc, xe hơi và đồ uống có cồn của xứ Chùa Vàng. Được biết năm 2017, kim ngạch thương mại Việt Nam – EU đạt 50,43 tỷ USD, tăng 11,6%; thặng dư thương mại của Việt Nam ở mức 26,17 tỷ USD. Trong khi đó kim ngạch thương mại Thái Lan – EU ở mức 44,54 tỷ USD, tăng gần 11%; tuy nhiên thặng dư thương mại của Thái Lan lại chỉ vào khoảng 2,89 tỷ USD.

Hồng Ánh