Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+
Đi cùng với mức tín nhiệm BB+, nền kinh tế Việt Nam cũng được tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đánh giá có triển vọng “Ổn định”.
Sở dĩ S&P quyết định nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là dựa trên những tín hiệu khởi sắc: Chính phủ đã gỡ bỏ hạn chế di chuyển trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ; chính sách kiểm soát Covid-19 phát huy hiệu quả; tỷ lệ tiêm chủng ngày càng được nâng cao…
Cùng với đó là vị thế đối ngoại tốt, sức hút lớn từ môi trường đầu tư hết sức thông thoáng, minh bạch của Việt Nam; các quy trình, thủ tục hành chính được tinh gọn đáng kể, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư. Nhờ vậy mà thời gian qua dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid – 19 song Việt Nam vẫn hấp thụ tốt dòng vốn FDI. Đặc biệt trong hai năm dịch bệnh hoành hành, Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp về thủ tục hành chính nhằm đảm bảo trả đúng hạn các khoản nợ được bảo lãnh.
Bên cạnh nâng mức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cũng đưa ra dự báo năm 2022 tăng trưởng GDP của Việt Nam vào khoảng 6,9%; từ năm 2023 trở đi sẽ đạt từ 6,5-7%.
Theo đánh giá của S&P, những năm gần đây thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã có sự gia tăng nhanh chóng với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn mức trung bình của các quốc gia có cùng mức thu nhập.
Ngoài ra việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm này đánh giá nền kinh tế Việt Nam có triển vọng “Ổn định” thể hiện dự báo trong 1 – 2 năm tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua các khó khăn của đại địch, sớm đi vào quỹ đạo ổn định và phục hồi, từng bước củng cố vị thế đối ngoại trên trường quốc tế.
Trong lĩnh vực tài khóa, S&P đánh giá thời gian qua dù thu chi ngân sách chịu áp lực lớn vì dịch Covid-19 song nền tài chính công của Việt Nam vẫn duy trì trạng thái ổn định. Trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ dự định giữ thâm hụt ở mức trung bình 3,7% GDP; tuy nhiên S&P dự kiến thâm hụt tài khóa sẽ ở mức hơn 4% GDP trong hai năm tới khi thực hiện chương trình phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này bày tỏ kỳ vọng chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, Việt Nam sẽ sớm kiềm chế thâm hụt ngân sách.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được S&P nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên tổ chức xếp hạng tín nhiệm vẫn có thể hạ xếp hạng Việt Nam nếu điều kiện kinh tế xấu đi nhanh chóng hoặc có căng thẳng đáng kể trong hệ thống ngân hàng làm suy yếu nghiêm trọng vị thế tài khóa của chính phủ, đẩy các khoản trả lãi vay vượt 10% tổng thu nhập của chính phủ.
Có thể thấy nền kinh tế Việt Nam thiên về xuất khẩu nên phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu từ bên ngoài và nhu cầu tiêu dùng này hoàn toàn có thể sụt giảm nếu tình trạng lạm phát và rủi ro địa chính trị gia tăng trên toàn cầu. Cùng với rủi ro này, S&P cũng lưu ý một số điểm yếu còn tồn tại trong khu vực ngân hàng và tài chính, cũng như hệ thống cứng nhắc xung quanh giải ngân đầu tư công
Tâm Đức