Việt Nam đạt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2018
Giá xăng dầu tăng mạnh, giá thịt lợn liên tục giữ ở mức cao…trong những tháng trước được dự báo sẽ là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dịp cuối năm. Tuy nhiên, với sự phối hợp điều hành chặt chẽ, linh hoạt, đồng thời thị trường thế giới cũng có những diễn biến thuận lợi đã góp phần giúp giá các mặt hàng này tương đối ổn định trở lại, giảm áp lực lên CPI. Do vậy, CPI năm 2018 dự kiến hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu.
Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm, góp phần kéo giảm CPI tháng 11
Bất ngờ trong tháng 11
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 11 diễn ra mới đây, bà Tạ Thị Thu Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) thông tin: CPI tháng 11/2018 đã giảm 0,29% so với tháng trước; tính chung 11 tháng, CPI tăng 3,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là diễn biến khá bất ngờ cho công tác điều hành giá vì chỉ 1 tháng trước đó, giá xăng dầu liên tục tăng cao gây ra không ít lo ngại rằng, các công cụ điều hành giá sẽ phải vận dụng tối đa mới giữ CPI không tăng quá mức cho phép.Cụ thể, tại cả thị trường New York và London, giá dầu thô đã giảm xuống dưới mức 60 USD/thùng trong tháng 11, là mức thấp nhất trong 1 năm qua, giảm hơn 30% so với mức đỉnh đạt được trong tháng 10/2018. Mức giá này đã giúp giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm vào ngày 6/11 và 20/11, giúp góp phần giảm 0,17% trong CPI tháng 11.
Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau một thời gian tăng cao, trong tháng vừa qua, giá thịt lợn cũng giảm xuống mức dưới 50.000 đồng/kg do nguồn cung được bổ sung. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp cũng lo ngại dịch tả lợn châu Phi sẽ lan sang Việt Nam nên chủ động bán sớm, giúp giá giảm, bớt áp lực cho nhóm hàng lương thực thực phẩm trong “giỏ” hàng hóa CPI. Ngoài ra, giá gas thế giới giảm, giá rau tươi giảm do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng điện giảm… cũng khiến sản lượng tiêu thụ điện giảm mạnh trong tháng 11.
Cẩn trọng trong quý I/2019
Bà Tạ Thị Thu Việt cho hay, trong tháng 12, nguồn cung hàng hóa dự báo vẫn rất dồi dào nên sẽ không có tình trạng tăng giá bất thường. Giá xăng dầu thế giới cũng chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Yếu tố gây tăng giá lớn trong tháng 12 là giá dịch vụ y tế sẽ tăng do tính thêm mức lương cơ sở, theo lộ trình đã đưa ra từ trước…Tổng hợp tất cả các yếu tố này, CPI sẽ đảm bảo không tăng quá 4% so với cùng kỳ. Như vậy, dự báo CPI năm 2018 có thể đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, áp lực có thể sẽ đến vào đầu năm năm 2019.
Ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Dù giá xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu tăng nhưng đầu năm tới, mỗi lít xăng sẽ tăng thêm khoảng 1.000 đồng tiền thuế môi trường. Bên cạnh đó, giá điện cũng đang được xem xét để điều chỉnh vào đầu năm 2019…Điều này sẽ gây áp lực không nhỏ đến việc kiểm soát CPI ngay trong quý I.
“Năm 2018, CPI được kiểm soát tốt do có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, sự linh hoạt trong điều hành các mặt hàng chịu sự quản lý của nhà nước. Do đó, năm 2019, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, sự thận trọng và theo dõi sát biến động địa chính trị thế giới và trong nước để kiểm soát CPI ổn định ngay từ đầu năm” – ông Nguyễn Lộc An cho hay.
Đồng ý kiến, bà Tạ Thị Thu Việt chia sẻ, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, dưới tác động của thuế môi trường cho mặt hàng xăng dầu, điều chỉnh giá điện, diễn biến giá cả dịp Tết… CPI quý I/2019 dự báo có thể tăng khoảng 3,6 – 3,85% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng cao, gần tiệm cận mục tiêu Quốc hội cho phép (4%). Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ và các chính sách điều hành phù hợp để CPI không tăng quá cao ngay trong quý đầu năm, tạo dư địa cho những tháng tiếp theo.
Tại cuộc họp về kịch bản điều hành giá năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương chủ động tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019 bám sát diễn biến giá cả thế giới và điều chỉnh giá dịch vụ công, vật tư thiết yếu như điện, than, y tế, giáo dục… với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. |
Minh Đường