Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng kinh tế Châu Á năm 2020

Một số quốc gia châu Á chưa công bố số liệu kinh tế quý IV và cả năm 2020. Tuy nhiên, thống kê của CNBC dựa trên các nguồn chính thức và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt trội các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á, kể cả Trung Quốc.

Tăng trưởng GDP của các nền kinh tế châu Á trong năm 2020 (Ảnh: CNBC).

Các thống kê cho thấy không phải Trung Quốc, Việt Nam mới là nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng nhất tại khu vực châu Á trong năm 2020.

Chính phủ Việt Nam ước tính nền kinh tế tăng trưởng 2,9% trong năm 2020. Con số này cao hơn mức tăng trưởng 2,3% của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Việt Nam đạt mức tăng trưởng vào loại cao nhất trong khi phần còn lại của thế giới chìm trong suy thoái”, các nhà kinh tế của Bank of America viết trong báo cáo mới đây.

Theo CNBC, các chuyên gia kinh tế quốc tế tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm nay. Nhóm nghiên cứu của Bank of America dự đoán con số tăng trưởng của Việt Nam là 9,3%, cao hơn nhiều so với ước tính 6,7% của Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngành sản xuất của Việt Nam được đánh giá cao trong năm 2020. Các chuyên gia của Fitch Solutions nhận định với làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu, đà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam này tiếp tục kéo dài trong những năm tới.

Bên cạnh đó, trong năm qua Việt Nam ký kết một số hiệp định thương mại mới, trong đó có EVFTA với Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định này sẽ thúc đẩy hơn nữa dòng chảy thương mại giữa Việt Nam và châu Âu.

Ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch nhưng cũng dần phục hồi trong quý cuối năm 2020. Các chuyên gia kinh tế nhận định mức độ phục hồi của mảng dịch vụ – đặc biệt là ngành du lịch – sẽ có vai trò then chốt giúp nền kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển so với mức trước dịch.

Chuyên gia Gareth Leather của hãng Capital Economics cho rằng ngành du lịch Việt Nam vẫn sẽ đối mặt nhiều thử thách trong thời gian tới. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn có thể đạt 10%.

“Chúng tôi cho rằng đến cuối năm 2021, GDP của Việt Nam chỉ thấp hơn khoảng 1,5% so với ước tính trong trường hợp đại dịch Covid-19 không xảy ra. So với khu vực, đây là sự sụt giảm rất nhỏ”, ông Leather nói.

Huy Hoàng