Vì sao Australia không thể công khai ủng hộ Trung Quốc gia nhập CPTPP?

Thông tin từ SCMP, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell đến Trung Quốc vào ngày 12/5 vừa qua, Bắc Kinh đã không nhận được sự ủng hộ công khai từ Canberra về việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Vì sao Australia không thể công khai ủng hộ Trung Quốc gia nhập CPTPP?

Bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đang dần được cải thiện, vấn đề Trung Quốc tham gia Hiệp định CPTPP đã trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự trên bàn đàm phán giữa hai nước. Tuy nhiên các nguồn tin cho hay Chính phủ Australia sẽ không thể công khai ủng hộ tư cách thành viên của Trung Quốc khi các lệnh trừng phạt thương mại vẫn chưa được dỡ bỏ. “Nếu Trung Quốc đạt được các tiêu chuẩn thương mại của CPTPP, Australia sẽ không phản đối việc Bắc Kinh trở thành thành viên của Hiệp định”- một trong số các nguồn tin chia sẻ.

Trước đó vào tháng 9/2021, Trung Quốc đã nộp đơn xin tham gia CPTPP và không lâu sau, Đài Loan cũng nộp đơn tham gia. Tuy nhiên trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, Bộ trưởng Don Farrell nhấn mạnh nước này không ủng hộ những nỗ lực tham gia CPTPP của Đài Loan. Lập trường này cũng đã được Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định hồi năm ngoái.

Ông Stephen Olson – Nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hinrich (Singapore) cho biết mặc dù các thành viên CPTPP đều công nhận vai trò trung tâm kinh tế của Trung Quốc trong khu vực song họ cũng đồng thời bày tỏ sự lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh.

Về mặt thương mại, các thành viên CPTPP đều đặt nghi vấn về mức độ tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tiêu chuẩn cao trong khuôn khổ Hiệp định này, khi quan sát từ mức độ tuân thủ của họ trong WTO. Ngoài ra đặt trong bối cảnh hỗn loạn về địa chính trị lẫn thương mại như hiện nay, các nước thành viên CPTPP đều cho rằng giải pháp khôn ngoan nhất là từ từ xem xét đơn xin gia nhập của Trung Quốc. “Thật khó để tưởng tượng bất kỳ kịch bản nào về một phản ứng rõ ràng dứt khoát với đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc trong thời gian ngắn” – ông Olson nhấn mạnh.

CPTPP được ký kết năm 2018 và chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Đây là một hiệp định rộng lớn nhằm loại bỏ thuế quan thương mại giữa các thành viên và đặt ra các quy tắc cho nhiều vấn đề quan trọng như đầu tư xuyên biên giới, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và lao động. Ngoài 11 nước thành viên hiện hữu (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru, Việt Nam), CPTPP sẽ ký thỏa thuận kết nạp thêm thành viên mới là Vương quốc Anh  tại cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 7 tới. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nếu có sự tham gia của Anh, CPTPP sẽ đóng góp tới 15% GDP toàn cầu.

Hoàng Khoa