VCCI và WB đều quan tâm tới giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ dịch bệnh Covid-19
Tại buổi làm việc sáng 30/3, Giám đốc quốc gia World Bank muốn được cập nhật tình hình triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp SMEs trong bối cảnh bệnh dịch COVID-19 tại Việt Nam. Bên cạnh đó, World Bank cũng thông báo về gói trợ giúp 14 tỷ USD đã được World Bank phê duyệt cho 20 dự án để hỗ trợ các quốc gia mua sắm thiệt bị y tế cần thiết ứng phó với dịch bệnh trong bối cảnh hiện tại.
Trao đổi với ông Ousmane Dione, Chủ tịch VCCI TS.Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đã kiến nghị với Thủ tướng về 12 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ dịch bệnh COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã quyết định nhiều biện pháp chủ động nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn nay như giãn, hoãn và giảm thuế, phí, giảm lãi xuất và nới lỏng các điều kiện tín dụng cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính…
Tuy nhiên do việc triển khai các giải pháp này còn chậm, VCCI sẽ tiếp tục kiến nghị giải pháp và thúc thực thi. VCCI cũng mong muốn các giải pháp trên được triển khai quyết liệt và khẩn trương giống như các giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cũng chia sẻ 90% thiết bị, vật tư y tế và chăm sóc sức khỏe được nhập khẩu từ nước ngoài. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Hiện nay chỉ có năng lượng sản xuất khẩu trang là khá, nhưng lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và cũng không đủ nhu cầu sản xuất. Chủ tịch VCCI đề nghị World Bank hỗ trợ giới thiệu các nhà xuất khẩu thiết bị y tế phòng chống covid cũng như nguyên liệu cho sản xuất khẩu trang cho Việt Nam.
Về phía mình, Giám đốc quốc gia World Bank thông báo đang có ngân sách 50 triệu USD hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam, có thể sử dụng để mua sắm các thiết bị y tế cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra World Bank đặc biệt quan tâm đến nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm khu vực không chính thức, là những đối tượng dễ bị tổn thương và sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hậu quả của đại dịch COVID-19, và các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các đối tượng này, trong các ngành nghề chịu nhiều ảnh hưởng nhất như du lịch, khách sạn, vận tải, xuất khẩu nông sản… tác động trực tiếp tới người lao động sản xuất và dịch vụ, người nông dân.
Thông báo về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của VCCI, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện VCCI đang tiếp tục triển khai khảo sát diện rộng các doanh nghiệp để đánh giá về thực trạng ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề thất nghiệp và công ăn việc làm của người lao động, qua đó tiếp tục đưa ra các khuyến nghị tới Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ phù hợp, đồng thời phối hợp liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu này.
VCCI cũng đã kiến nghị Chính phủ thực hiện gói kích cầu để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và bảo đảm tiêu dùng cho người dân. VCCI sẵn sàng chia sẻ báo cáo này với World Bank để cùng phối hợp trong các hoạt động trợ giúp doanh nghiệp.
Về hoàn thiện hệ thống pháp luật, VCCI cũng đang đề xuất về bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong luật doanh nghiệp, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của chính đáng của hộ kinh doanh và bên có liên quan; thúc đẩy hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế; đồng thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn.
Đại diện World Bank cũng đồng ý với việc cần phải khẩn trương triển khai các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, những đối tượng dễ bị tổn thương bởi hệ quả của đại dịch COVID-19 sẽ có thể kéo theo khủng hoảng về tài chính và kinh tế sau đó và đồng thời cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh để thúc đẩy khu vực này phát triển và minh bạch hơn.
Hợp tác gần đây giữa VCCI và World Bank trong lĩnh vực hợp tác công tư (PPP) vẫn đang được thực hiện, tập trung vào việc góp ý dự thảo Luật PPP sẽ trình ra quốc hội kỳ họp tới đây và xúc tiến thúc đẩy các dự án hợp tác công tư trong nền kinh tế.
Thanh Hằng