Vấn đề Hong Kong: Trung Quốc cân nhắc nguy cơ Mỹ loại Bắc Kinh khỏi hệ thống thanh toán bằng USD
Một câu hỏi mới và rắc rối đột nhiên xuất hiện đối với Bắc Kinh: Liệu chính quyền Trump có lạm dụng sức mạnh của đồng USD để làm tổn thương Trung Quốc sau kế hoạch của Bắc Kinh để áp đặt luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong?
Mặc dù xác suất Trung Quốc sẽ bị đối xử như Nga hay Iran vẫn rất thấp, và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đề cập đến các biện pháp trừng phạt đối với các định chế tài chính của Hong Kong hoặc Trung Quốc, nhưng nguy cơ của một cuộc chiến tài chính – bao gồm bị cắt khỏi hệ thống USD – không còn là điều “không thể tưởng tượng được” đối với Trung Quốc.
Nếu Washington cắt đứt hệ thống tài chính và doanh nghiệp của Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng USD, vốn được củng cố bởi cơ sở hạ tầng như hệ thống nhắn tin thanh toán quốc tế Swift và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House (Chips), điều này có thể bắt đầu một cơn sóng thần tài chính đẩy nền tài chính toàn cầu vào thời kỳ bất ổn, theo các quan chức và nhà phân tích.
Một quan chức Trung Quốc biết về một cuộc thảo luận nội bộ về phản ứng của Bắc Kinh đối với phản ứng có thể có của Mỹ đối với luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, nói: “Đó rõ ràng là một lựa chọn hạt nhân đối với Mỹ. Nó sẽ làm tổn thương Trung Quốc, nhưng có lẽ nó sẽ làm tổn thương Mỹ nhiều hơn.
Quan chức này, người yêu cầu giấu tên, cho biết kịch bản này tại Bắc Kinh vẫn được coi như là một sự kiện có xác suất thấp, và là phương sách cuối cùng. Một hành động như vậy sẽ gần với một cuộc chiến tranh nóng hơn là Chiến tranh Lạnh.
Nguy cơ hiện không thể cao hơn vì nó có thể làm thay đổi nghiêm trọng bối cảnh kinh tế thế giới trong nhiều năm tới.
Giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc dựa vào USD Mỹ như một phương thức thanh toán cho hầu hết các hoạt động thương mại, tài chính và đầu tư quốc tế, với các tổ chức tài chính ở Hong Kong thường đóng vai trò cửa ngõ.
Việc sử dụng đồng USD của Trung Quốc đã giúp Mỹ duy trì đồng tiền của mình, một đặc quyền có giá trị – một thuật ngữ được sử dụng bởi cựu bộ trưởng tài chính Pháp Valéry Giscard dơiEstaing vào năm 1965 – trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Quan điểm của Bắc Kinh về đồng đô la Mỹ rất phức tạp. Một mặt, chính phủ Trung Quốc “ngồi trên” kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, hơn một nửa trong số đó là bằng tài sản bằng USD. Bắc Kinh cũng coi đồng USD là một loại tài sản chiến lược, hạn chế khả năng công dân Trung Quốc đổi nhân dân tệ sang đồng USD ở mức 50.000 USD mỗi năm và cảnh giác với các công ty chuyển USD ra khỏi đất nước.
Mặt khác, Bắc Kinh đã cố gắng hết sức trong thập kỷ qua để làm suy yếu sức mạnh USD. Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đề xuất vào năm 2009 rằng một loại tiền tệ có chủ quyền mới nên được tạo ra để thay thế đồng USD.
Trung Quốc đã khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ trong các khu vực thương mại, họ đã thiết lập một thị trường ở Thượng Hải để giao dịch các hợp đồng tương lai dầu thô bằng đồng nhân dân tệ, và họ đã phát triển một hệ thống thanh toán nhân dân tệ xuyên biên giới, ký kết hàng chục giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương và thậm chí tạo ra ngân hàng đa phương của riêng mình.
Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ đạt được thành công hạn chế vì đồng USD vẫn là lựa chọn hàng đầu của các thương nhân, nhà đầu tư và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.
Việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế có giới hạn so với đồng USD – con số mới nhất từ hệ thống Swift cho thấy đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 1,66% giao dịch thanh toán quốc tế so với 43% của đô la Mỹ.
Ngoài ra, hơn 70% đồng nhân dân tệ sử dụng trong thanh toán quốc tế diễn ra tại Hong Kong, nơi có hệ thống tài chính và tiền tệ riêng biệt từ đại lục.
Bởi vì đồng đô la Hong Kong được chốt bằng đô la Mỹ và có thể tự do chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác, nó phục vụ như một phương tiện để Trung Quốc tiếp cận vốn toàn cầu.
Hiện có mối lo ngại đang gia tăng rằng Mỹ có thể chuyển sang làm suy yếu hoặc thậm chí phá vỡ các liên kết này, tước quyền tiếp cận tài trợ toàn cầu của Trung Quốc trong khi làm suy yếu vị thế của Hong Kong, là một trung tâm tài chính quốc tế và dễ dàng làm tổn thương đồng đô la Mỹ trong quá trình này.
Francis Lui Ting-ming, giáo sư tại Đại học Khoa học Hong Kong, cho biết việc cắt Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD sẽ gây tác dụng ngược, vì Washington cần Bắc Kinh tiếp tục mua các khoản nợ đang tăng nhanh. Theo số liệu mới nhất của Kho bạc Mỹ, Trung Quốc nắm giữ 1,1 nghìn tỷ USD Mỹ chứng khoán Kho bạc Mỹ, tương đương khoảng 4,4% tổng nợ quốc gia.
Nếu Mỹ cắt Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng USD toàn cầu, Bắc Kinh sẽ tăng tốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và đẩy nhanh nỗ lực tạo ra một hệ thống tiền tệ toàn cầu không phụ thuộc vào tiền tệ của Mỹ.
Hoàng Na