Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương
Nối tiếp chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Tại Hội nghị, ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Cụ thể về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21), ông Tùng cho biết qua thảo luận UBTVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã được khảo sát về việc không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương như Luật hiện hành. Theo ý kiến của các đại biểu, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; đồng thời tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Thực tế thời gian qua việc thực hiện điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Cư trú cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cho thấy chính sách này chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.
Để khắc phục những bất cập này, UBTVQH cho rằng việc giao HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết; tuy nhiên diện tích này không được thấp hơn 8 m2 sàn/người như dự thảo Luật để không gây trở ngại cho các thành phố trực thuộc Trung ương khi quy định diện tích nhà ở tối thiểu cao hơn làm điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp đăng ký vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ.
Linh Lan