Ưu tiên tìm thị trường tiêu thụ lúa gạo lâu bền cho nông dân

“Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người nông dân, ưu tiên hàng đầu là phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm được những thị trường mới tiềm năng để tiêu thụ lúa gạo lâu dài cho bà con…” là khẳng định của ông Lê Văn Bảnh – nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ cuối 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2/2019 sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019  sụt giảm cả về giá cả, khối lượng lẫn giá trị.

Về nguyên nhân giá lúa gạo giảm sâu từ cuối năm 2018 đến nay, ông Bảnh cho biết vụ đông xuân ở ĐBSCL, ước tính mỗi năm sản lượng lúa đạt khoảng 10-11 triệu tấn. Tuy nhiên thời điểm đầu năm 2018, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo trong nước bị ứ đọng không có đầu ra (do doanh nghiệp xuất khẩu và khách nước ngoài chưa đặt hàng mua ) nên họ không thu mua lúa của bà con nông dân. Trong khi đó bà con nông dân cũng muốn bán để có tiền chi tiêu. Nông dân cần tiền mà lúa bán không được nên dẫn đến tình trạng hạ giá.

Có thể thấy 2018 là năm bội thu của hạt gạo Việt Nam xuất khẩu với trị giá đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2017. Hạt gạo Việt cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Trong năm, giá gạo xuất khẩu cũng tăng mạnh lên 502 USD/tấn (năm 2017 chỉ đạt 452USD/tấn), trong đó tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm tới 80%.

Tuy nhiên bước sang năm 2019, một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn sẽ diễn ra khi các quốc gia thu mua gạo lớn có xu hướng giảm nhập khẩu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực; trong khi đó các quốc gia xuất khẩu gạo lại tăng cường xuất ra thị trường. Trước đây chỉ có Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ sản xuất và xuất khẩu gạo nhưng hiện nay Campuchia, Bangladesh cũng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Thị trường Myanmar trước đây giữ vị trí nhất, nhì trong sản xuất lúa gạo, sau thời gian sụt giảm cũng bắt đầu phục hồi. “Trung bình hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5-6 triệu tấn gạo. Dự kiến năm 2019, xuất khẩu gạo cũng sẽ đạt con số này. Tuy nhiên, giá gạo mỗi thời điểm một khác. Mặc dù năm 2018, giá gạo xuất khẩu tăng mạnh lên 502 USD/tấn nhưng trong năm 2019, giá gạo xuất khẩu khó đạt được con số này vì phía khách hàng nhập khẩu có thêm nhiều nguồn để lựa chọn. Khách hàng nước ngoài cũng tính toán, cân nhắc để có thể mua được mức giá rẻ nhất từ Việt Nam. Đây là bài toán cạnh tranh cung – cầu trên thị trường lúa gạo thế giới” – nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL phân tích.

Trước tình hình giá gạo giảm sâu so với cùng kỳ, nông dân lâm vào cảnh “được mùa mất giá”, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua sớm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc để hỗ trợ bà còn. Tuy nhiên theo ý kiến của Bảnh, đây chỉ là giải pháp tình thế giữ cho giá lúa ổn định và không giảm thêm nữa chứ không thể giúp tăng giá lúa gạo thời điểm hiện nay bởi vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp bán được thì họ mới thu mua lúa cho nông dân. “Để thị trường lúa gạo của Việt Nam phát triển ổn định, xuất khẩu bền vững thì các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam phải chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm được những thị trường mới tiềm năng để tiêu thụ lúa gạo lâu dài. Đồng thời, cần tăng chất lượng lúa gạo và nâng cao uy tín trên thị trường lúa gạo thế giới. Đây cũng là giải pháp quan trọng để có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Đông Bắc Á, Tây Âu. Về lâu dài, các doanh nghiệp phải tìm được đầu ra ổn định, đa dạng hóa thị trường và có kết nối chuỗi sản xuất giữa người nông dân với doanh nghiệp” – ông Bảnh khuyến nghị.

Victor Thai