Uniqlo và cái “Bắt tay” chiến lược với Elise Việt Nam
Mở đường cho chiến lược thâm nhập thị trường thời trang Việt Nam, hãng thời trang Uniqlo đã mua lại 35% cổ phần của Công ty CP Elise – đơn vị sở hữu hơn 100 cửa hàng thời trang nữ trên toàn quốc. Cái “bắt tay” chiến lược này kỳ vọng sẽ giúp Uniqlo mở rộng độ bao phủ của mình tại khu vực Đông Nam Á; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của Elise trong mảng thời trang nữ.
Đây được xem là một thương vụ thành công của Elise khi giá trị mà đối tác Nhật trả cho 35% cổ phần có trị giá lên đến hàng chục triệu USD, cao hơn rất nhiều so với vốn điều lệ của hãng thời trang nữ đình đám này.
Ra đời năm 2011, Elise là thương hiệu thời trang nữ của Công ty CP Elise, hướng đến đối tượng khách hàng chính là nữ giới trong độ tuổi từ 20 đến 45. Sở hữu chuỗi cửa hàng với thương hiệu Elise, hoạt động của doanh nghiệp này được xây dựng theo chiều dọc từ khâu thiết kế, sản xuất sản phẩm cho đến bày bán tại hệ thống hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc.
Còn Uniqlo là thương hiệu thời trang trực thuộc Fast Retailing – một doanh nghiệp bán lẻ thời trang Nhật Bản sở hữu hơn 2.300 cửa hàng trên toàn thế giới. Mạng lưới của Uniqlo trên toàn cầu hiện đang bao phủ 20 thị trường ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Uniqlo có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng cửa hàng tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương lên con số 400 vào năm 2022. Công ty cũng đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh thu tại khu vực Đông Nam Á, lên con số 300 tỷ yên (tương đương 2,71 tỷ USD) vào năm 2022.
Theo ghi nhận của các chuyên gia, hiện thị trường thời trang Việt Nam đang ở giai đoạn vàng. Bằng chứng là các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Zara, H&M, F21…đều lần lượt đổ bộ vào sau nhiều năm thăm dò thị trường và chờ đợi thời cơ.
Bà Lưu Nga – CEO của Elise cho biết những nhãn hiệu thời trang này vào Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu cho những người thích dùng “mỳ ăn liền”. Họ muốn nhanh, rẻ, tiện lợi và không quá cầu kỳ trong thời trang của mình. Cũng như chúng ta ăn hàng tỷ gói mỳ ăn liền nhưng các nhà hàng sang trọng và quán ăn khác vẫn phát triển bình thường. Tính dễ dãi và phổ thông của các thương hiệu đó sẽ làm nhàm chán và đồng phục mọi người. “Bạn tưởng tượng sao cả chục người trong một căn phòng toàn mặc Zara hay H&M? Theo tôi, họ vào Việt Nam sẽ làm phong phú và đánh thức nhiều người quan tâm đến thời trang hơn và là một điều tốt. Cũng như ở các nước khác họ đã có mặt, họ sẽ đem lại nhiều hơn về giá trị sử dụng và tiện lợi hơn là giá trị thời trang” – CEO của Elise nhấn mạnh.
Kim Phương