Ứng phó với phòng vệ thương mại trong xuất nhập khẩu: Cần sự phối hợp của cơ quan nhà nước, truyền thông và doanh nghiệp
Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ và áp dụng hiệu quả hơn các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu, Cục PVTM (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác PVTM trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Tránh chủ quan, lơ là
Có thể thời gian gần đây việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới đang có xu thế tăng cao. Theo số liệu của Cục PVTM (Bộ Công Thương), trong năm 2020, Việt Nam đang ứng phó với 27 vụ việc PVTM khác nhau. Tính đến hết quý I/2020, có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Một trong những nguyên nhân làm gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại là sự xuất hiện của các FTA thế hệ mới nhằm tăng cường tự do thương mại toàn cầu, trong đó có Hiệp định EVFTA.
Cụ thể đối với EU, Việt Nam hiện có mức thặng dư thương mại khoảng 26 tỷ USD mỗi năm với thị trường tiềm năng này, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như nông lâm thủy sản, da giày, dệt may. Nếu như Hoa Kỳ liên tục áp dụng các biện pháp PVTM với hàng xuất khẩu thì ngược lại trong 10 năm qua, thị trường EU hầu như rất im ắng. Dẫu vậy yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không được chủ quan, lơi lỏng trong vấn đề này nhằm đảm bảo mục mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu với EU cũng như khai thác hiệu quả các ưu đãi mà EVFTA mang lại.
Ông Phan Khánh An – Phó Trưởng Phòng Pháp chế, Cục PVTM bày tỏ sự quan ngại trong khi các biện pháp PVTM có nguy cơ ngày càng gia tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu thì sự hiểu biết của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về vấn đề này hãy còn rất hạn chế. Khảo sát gần đây cho thấy có khoảng 15% doanh nghiệp không biết gì về PVTM; chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, nắm rõ; số đông còn lại là các doanh nghiệp chưa nắm rõ vấn đề này.
Chủ động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại
Bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết mặc dù ở thời điểm hiện tại thị trường EU tương đối yên bình song với Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực thì dự báo khoảng 5 năm tới thặng dư thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ có sự gia tăng đáng kể, hàng hóa Việt Nam sẽ tràn ngập tại thị trường EU. Đây cũng chính là thời điểm EU sẽ có các biện pháp PVTM, các hàng rào kỹ thuật đánh trực diện vào hàng hóa Việt Nam. Ngay trong quá trình đàm phán EVFTA, Việt Nam cũng đã nhận định được những mặt hàng xuất khẩu sang EU có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản; qua đó giúp các doanh nghiệp chuẩn bị phương án ứng phó khi có các vấn đề phức tạp xảy ra.
Cũng theo bà Giang, trong quá trình thực thi PVTM, công tác truyền thông – báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng; giúp tuyên truyền, cung cấp thông tin về PVTM đến doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chuẩn xác; đặc biệt thông tin để doanh nghiệp nắm được khi có những vụ việc xảy ra thì cần liên hệ cơ quan chức năng nào để có hướng xử lý kịp thời.
Cùng với sự trợ lực của báo chí, truyền thông, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng như chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Về phía Cục PVTM, để đồng hành bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, Cục sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài cũng như cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc.
Hương Giang