Ứng dụng gọi xe công nghệ và cuộc chiến giành giật tài xế
Cuộc chiến giành giật tài xế đang diễn ra vô cùng khốc liệt trên thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam giữa các ứng dụng Grab, Be, Go Viet (công ty con của Go Jek tại Việt Nam), FastGo…Để chiếm lĩnh thị trường, các ứng dụng này không chỉ mạnh tay chi tiền để thu hút khách hàng mà còn phải tìm đủ cách thu hút cánh tài xế về với mình..
Với hy vọng trang trải chi phí đại học và giúp đỡ gia đình, Văn Hưng (19 tuổi, sinh viên đại học) đang làm công việc giao hàng và tài xế công nghệ bán thời gian. Ship tầm 20 đơn giao hàng, chở khoảng chục khách, mỗi ngày Hưng kiếm được từ 500.000 – 600.000 đồng. Thu nhập hấp dẫn khiến Hưng nhiều lần có suy nghĩ bỏ học đi giao hàng với chở khách. “Nếu trừ chi phí xăng xe, mỗi tháng thu nhập của em cũng được tầm mười mấy triệu. Tốt nghiệp ra trường chưa chắc xin được việc có mức lương hấp dẫn như thế; chưa kể chi phí học đại học cũng rất đắt đỏ” – Hưng chia sẻ.
Bối cảnh dư thừa lao động, số người thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao khiến tài xế công nghệ trở thành nghề hấp dẫn. Hưng cho biết chỉ cần thực hiện vài thao tác trên web, người hướng dẫn sẽ gọi điện giải thích tường tận mọi thủ tục cho người có nguyện vọng tham gia. Đối với đối tượng sinh viên chỉ cần mang thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân, bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xe máy đến đăng ký là hoàn tất công đoạn trở thành một tài xế công nghệ.
Không chỉ các startup mới nổi mà các “ông lớn” như Grab, Be, Go Viet FastGo,… cũng bị cuốn vào cuộc chiến giành giật, không chỉ là khách hàng mà là cả các tài xế đối tác. Mặc dù là tên tuổi khá mới trên thị trường xe ôm công nghệ song Be chi khá mạnh tay so với các đối thủ cho các khoản thưởng với đối tác Be Bike. Điển hình tài xế Be Bike tại Tp.HCM sẽ được hưởng đồng thời thưởng theo số chuyến xe mỗi ngày và thưởng tính trên doanh thu.
Trước các động thái giành giật tài xế của đối thủ, Grab cũng đã có những chính sách thưởng, ưu đãi cho giới tài xế. Ngoài chương trình thưởng cho tài xế, bắt đầu từ ngày 10/10/2019, Grab chính thức áp dụng phí “xe chờ quá 5 phút” trong trường hợp khách hàng đặt xe nhưng không đến hoặc đến muộn để đảm bảo quyền lợi cho tài xế. Grab cho biết phí “xe chờ quá 5 phút” sẽ áp dụng ở cả nước với mức 10.000 đồng đối với các dịch vụ GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar 7 chỗ và JustGrab; còn với GrabBike và GrabBike Premium, khách sẽ phải trả 3.000 đồng. Tài xế sẽ nhận được bộ khoản phí này.
Ông Xuân Đình, 55 tuổi, một tài xế chạy taxi lâu năm nay chuyển sang chạy Grab cho biết cách tính phí như thế là đúng. Nhiều khi khách gọi xe đi vào trong ngõ mà mãi không xuống. Trong khi tài xế đậu xe lâu thì phương tiện khác lại không lưu thông được, ảnh hưởng rất xấu.
Trong khi đó, Go-Viet cũng liên tục thay đổi chính sách thưởng, tuy nhiên những sự thay đổi này không ít lần gặp phải các phản ứng trái chiều từ đối tác tài xế. Còn FastGo thì đến nay vẫn chưa thu chiết khấu đối với lái xe, chỉ thu tối đa 30.000 VND với lái xe có doanh thu trên 400.000 VND.
Tất nhiên theo chia sẻ của không ít tài xế, họ có thể cùng lúc làm cho nhiều bên, nếu các ứng dụng mang lại nhiều lợi ích cho họ. “Trước kia em chạy mỗi Grab thôi nhưng từ lúc có Be thì em chơi chiêu “hai tay hai app”, chạy cả Be luôn. Thấy e tắt ứng dụng nhiều, Grab biết được, cảnh báo và khóa tài khoản. Sau này các đàn anh trong nghề hướng dẫn em dành tiền mua thêm một cái điện thoại nữa, 1 máy để chạy Grab, 1 máy để chạy Be. Nói thiệt làm kiểu nước đôi này thu nhập cao thật song hơi tốn sức mà lại hại não nữa” – Hưng chia sẻ.
Còn ông Đình cho biết: “Trước thấy mấy ông bạn đồng nghiệp cũng chạy cả mấy ứng dụng một lúc, chú cũng bắt chước làm theo nhưng một thời gian thì bỏ, chỉ chạy một cái thôi. Vì nếu chạy hai cái cùng một lúc mà lỡ hai bên cùng có khách thì chú phải hủy một bên. Một là lương tâm mình không thích làm ăn kiểu thế, hai là hủy nhiều công ty họ biết thì mình càng khó nhận khách hơn“.
Mộng Hùng