Ứng cử viên Thủ tướng Nhật Bản Kishida kêu gọi chấm dứt sự bất bình đẳng trong thu nhập

Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, người hy vọng sẽ trở thành lãnh đạo của đảng cầm quyền và thủ tướng tiếp theo, nói rằng Nhật Bản nên cố gắng hướng tới một hình thức chủ nghĩa tư bản mới để giảm chênh lệch thu nhập đã trở nên tồi tệ hơn do đại dịch.

Ông Kishida là thành viên Đảng Dân chủ Tự do (LDP) duy nhất tuyên bố ứng cử trong cuộc bỏ phiếu lãnh đạo vào ngày 29/9, sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga hôm thứ Sáu tuần trước (3/9) cho biết ông sẽ từ chức.

Bộ trưởng phụ trách cải cách hành hình và chống đại dịch Covid-19, Taro Kono và cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi đã báo hiệu tham vọng tranh cử. Bà Takaichi, 60 tuổi, dự kiến ​​sẽ công bố ứng cử vào cuối ngày thứ Tư và nếu thành công, bà sẽ trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản.

Ông Kishida cho biết việc bãi bỏ một số quy định trong thời kỳ cải cách vào đầu những năm 2000 đã mở rộng khoảng cách giữa những người giàu và nghèo và rằng chính sách “Abenomics” của cựu thủ tướng Shinzo Abe, theo đó tìm cách khắc phục tình hình tài chính nghiêm trọng bằng cách đạt được mức tăng trưởng cao và thúc đẩy nguồn thu từ thuế, đã không thu về lợi ích kinh tế nhỏ giọt”.

Ông Kishida cho biết trong một buổi thuyết trình về các đề xuất kinh tế của mình ở Tokyo hôm thứ Tư: “Nếu không có sự phân phối của cải, sẽ không có sự gia tăng trong tiêu dùng và nhu cầu…. Tôi sẽ hướng tới việc xây dựng chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật Bản mới. Thách thức lớn nhất trong chính sách kinh tế vĩ mô là chấm dứt giảm phát. Tôi sẽ tuân theo ba bước chính của chính sách tiền tệ táo bạo, chi tiêu tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng.  Không nghi ngờ gì nữa, Abenomics đã mang lại một thành tựu lớn về tăng trưởng nhưng về mặt phân phối của cải, lợi ích kinh tế nhỏ giọt vẫn chưa xảy ra”. Ông Kishida lặp lại lời kêu gọi về một gói kích thích kinh tế trị giá “hàng chục nghìn tỷ yên” để chống lại đại dịch. Ông cho biết sẽ sử dụng chi tiêu tài khóa để đạt được sự ổn định kinh tế trong khi không từ bỏ việc củng cố tài khóa. Ông cho biết Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nên duy trì mục tiêu lạm phát 2% vì “đây là một tiêu chuẩn toàn cầu” và việc thay đổi nó sẽ gửi một thông điệp sai đến các thị trường và sẽ không ảnh hưởng đến thuế bán hàng trong thời điểm hiện tại. Ông Kishida cũng kêu gọi thành lập một quỹ đại học trị giá 10 nghìn tỷ yên để kích thích khoa học và thúc đẩy năng lượng tái tạo, đồng thời giữ lại công nghệ điện hạt nhân, mà theo ông nên được coi là một lựa chọn năng lượng sạch.

Diệu Thanh