UNDP: Nguy cơ sụp đổ kinh tế với các nước đang phát triển trong dịch COVID-19
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cảnh báo rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 đe dọa tàn phá mạnh mẽ nền kinh tế của các quốc gia nghèo trong lúc họ đang gồng mình giải quyết cuộc khủng hoảng y tế với nguồn lực cực kỳ hạn chế.
Trong một báo cáo đưa ra hôm 30/3, UNDP cho biết tác động kinh tế-xã hội với các nước nghèo và đang phát triển sẽ mất tới nhiều năm mới có thể phục hồi, đồng thời nhấn mạnh rằng tổn thất thu nhập ở những nước này được dự báo sẽ vượt hơn 220 tỷ USD. UNDP cũng cảnh báo châu Phi có thể mất đi gần một nửa công ăn việc làm.
Quản trị viên chương trình UNDP Achim Steiner nói: “Đối với những vùng rộng lớn trên toàn cầu, đại dịch sẽ để lại những vết sẹo sâu. Nếu không có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, chúng ta có nguy cơ đảo ngược những thành tựu đã đạt được trong hai thập kỷ qua và cả một thế hệ bị mất đi các quyền, cơ hội và nhân phẩm.”
Tổn thất về thu nhập có thể có tác động nghiêm trọng đối với các xã hội, bao gồm cả trong các lĩnh vực như giáo dục, nhân quyền và an ninh lương thực. UNDP cũng cảnh báo rằng các bệnh viện và phòng khám ở các nước đang phát triển có khả năng bị quá tải và thiếu nguồn lực, điều làm gia tăng nguy cơ lây lan COVID-19 hơn nữa. Có tới 75% người dân ở các nước kém phát triển nhất không được tiếp cận với xà phòng và nước.
Mandeep Dhaliwal, Giám đốc Chương trình HIV, Sức khỏe và Phát triển của UNDP, nói: “COVID-19 có thể nhanh chóng áp đảo các hệ thống y tế mong manh và quá tải của nhiều quốc gia. Cho đến nay, chúng ta đã chứng kiến dịch bệnh ở các quốc gia được cho là có hệ thống y tế tiên tiến nhưng thậm chí họ cũng phải vật lộn để đối phó. Chúng ta phải khẩn trương tập trung vào các biện pháp đối phó COVID-19 hiệu quả ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đặc biệt là tiếp cận những người dễ bị tổn thương nhất như dân cư trong khu ổ chuột, tù nhân, người di cư và người tị nạn.”
Chính phủ trên toàn thế giới đã ra lệnh cho các doanh nghiệp đóng cửa và hàng tỷ người phải ở nhà trong nỗ lực chống lại virus Corona.
Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ban hành lệnh phong tỏa 21 ngày với 1,3 tỷ dân. Lệnh phong tỏa đã khiến hàng triệu lao động di cư bị mắc kẹt, khiến họ buộc phải đi bộ hàng trăm km về quê sau khi giao thông công cộng đóng cửa. Một nửa dân số ở Ấn Độ sống dưới mức nghèo khổ.
Sự khẩn cấp phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 cũng đang được cảm nhận ở Châu Phi. Tại Kenya, Tổng thống Uhuru Kenyatta gần đây đã ban hành các biện pháp trên diện rộng để làm chậm sự bùng phát của virus Corona, điều mà một số lo ngại sẽ mang lại nhiều khó khăn kinh tế hơn. Lao động phi chính thức hiện chiếm 83,6% tổng lực lượng lao động của Kenya.
Ahunna Eziakonwa, Trợ lý Tổng thư ký và Giám đốc Văn phòng khu vực châu Phi của UNDP, nói với Al Jazeera: “Mọi người đã kỳ vọng rất nhiều vào thập kỷ này. Giờ đây bức tranh đó lại khá ảm đạm. Sự tàn phá sẽ ở mức chưa từng có, đặc biệt là ở châu Phi nơi các quốc gia sống sót sau dịch Ebola và cuộc khủng hoảng tài chính”.
Eziakonwa nói thêm rằng các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng hiện tại bao gồm xung đột kéo dài và hàng triệu người phải di tản trong nước. Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn đang chiến đấu với dịch Ebola. Các quốc gia khác đang đối mặt với thiên tai. Tanzania vừa gánh chịu một trận lụt lớn.
Phong tỏa dường như là một chiến lược tốt để ngăn chặn sự lây lan của virus nhưng đối với số đông người dân ở các nước đang phát triển thì đó không phải là một lựa chọn.
“Nhiều cộng đồng không có nước và xà phòng. Họ không thể ngồi nhà và chờ đợi. Họ không có thức ăn và họ phải kiếm thu nhập hàng ngày”, Eziakonwa nói thêm.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass phát biểu với Ủy ban Tài chính và Tiền tệ của IMF, nói: “Các nước nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là những nước đã mắc nợ nhiều trước khủng hoảng. Nhiều quốc gia sẽ cần giảm nợ. Đây là cách duy nhất họ có thể tập trung bất kỳ nguồn lực mới nào để chống lại đại dịch và hậu quả kinh tế và xã hội của nó”.
Ông Malpass cho biết Ngân hàng Thế giới đã tiến hành các hoạt động khẩn cấp tại 60 quốc gia và đang xem xét 25 dự án đầu tiên trị giá gần 2 tỷ USD để giúp tài trợ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngay lập tức.
Trong khi đó, UNDP cho biết họ đang hỗ trợ các hệ thống y tế ở Trung Quốc, Ukraine, Iran, Eritrea, Nigeria và Việt Nam, trong số những quốc gia khác. Họ ước tính sẽ cần tối thiểu 500 triệu USD để hỗ trợ 100 quốc gia, nơi tác động trong dài hạn sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất tới các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất.
Ngọc Hạnh