Từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới

Thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, các địa phương khu vực phía Nam đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cũng như triển khai thực hiện các phương án tái sản xuất gắn với phòng chống dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới

Gắn sản xuất với đảm bảo an toàn phòng chống dịch

Cụ thể tại tỉnh Bến Tre, tính đến ngày 7/10/2021 trên địa bàn tỉnh có 2.224 doanh nghiệp đang hoạt động với 65.430 lao động, chiếm 54% so với tổng số doanh nghiệp hoạt động và tăng 1.559 doanh nghiệp so với khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong số này có 19 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với 3.393 lao động và 2.205 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới với 62.037 lao động.

Kể từ ngày 1/10, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động trở lại (trừ các dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, quán bar, các khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, thẩm mỹ…). Đối với các doanh nghiệp ăn uống, nhà hàng, các hộ gia đình bán thức ăn, giải khát được phép hoạt động theo hình thức phục vụ tại chỗ theo quy định và khuyến khích bán mang đi.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tái hoạt động, tỉnh Bến Tre dành trọng tâm cho việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức sản xuất – kinh doanh và lưu thông hàng hóa an toàn; đảm bảo nguồn nhân lực cũng như điều kiện sinh hoạt cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ về thuế, phí… để giảm bớt gánh nặng tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và phát triển sản xuất.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 7/10/2021 toàn tỉnh có tổng cộng 3.865 doanh nghiệp thực hiện cập nhật vào website http://kcnvietnam.vn để tạo tài khoản và tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp; trong đó có 3.117 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và 748 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Theo đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19, trên địa bàn tỉnh có 3.149 doanh nghiệp thuộc nhóm ít nguy cơ, 668 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ thấp và 48 doanh nghiệp thuộc nguy cơ trung bình.

Dù các doanh nghiệp đang khẩn trương khôi phục sản xuất để giữ chuỗi cung ứng không bị đứt gãy song vấn đề an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn được đặt lên hàng đầu. Hầu hết các doanh nghiệp đều thống nhất theo phương châm “sản xuất phải an toàn và an toàn mới sản xuất”; đồng thời lên kế hoạch chi tiết cho sản xuất và phòng, chống dịch để duy trì sản xuất ổn định trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Các doanh nghiệp hoạt động trở lại hoặc tăng thêm lao động đều phải đảm bảo đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Ngoài các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, trên địa bàn tỉnh có 22 doanh nghiệp trước đây ngừng hoạt động do không thực hiện 3 tại chỗ nay có nhu cầu hoạt động trở lại và được chấp thuận cho người lao động đi về hàng ngày. Các doanh nghiệp nằm trong KCN việc khôi phục sản xuất sẽ do Ban Quản lý các KCN Đồng Nai xem xét, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các quy định và chấp thuận. Những doanh nghiệp nằm ngoài KCN do Sở LĐ-TBXH chấp thuận

Đảm bảo mạng lưới giao thương, cung ứng hàng hóa

Ngay sau khi Tp.HCM mở cửa ngày 1/10, các tiểu thương, các chợ truyền thống cũng dần được phép hoạt động trở lại nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân. Tính đến ngày 8/10, trên địa bàn Thành phố đã có 34 chợ truyền thống mở cửa hoạt động trở lại (chủ yếu là các ngành hàng lương thực, thực phẩm) sau khi đã xây dựng phương án, kế hoạch hoạt động an toàn trong trạng thái bình thường mới; trong đó chủ yếu là các ngành hàng lương thực, thực phẩm hoạt động lại.

Ngoài 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền tiếp tục hoạt động ổn định để duy trì lượng hàng hóa, lương thực thực phẩm cung ứng cho hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố và các tỉnh (trung bình từ 1.000 – 1.200 tấn thực phẩm, rau củ quả/đêm) thì hệ thống 106 siêu thị, 2.901 cửa hàng tiện lợi cũng duy trì hoạt động, góp phần phục vụ hiệu quả nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

Còn tại tỉnh Bến Tre có tổng cộng 157/159 chợ, 4 siêu thị, 7 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ và 55 cửa hàng Bách hóa xanh hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới; đảm bảo nguồn hàng hóa dồi dào, đa dạng với giá cả bình ổn phục vụ đời sống người dân. Các vựa trái cây, nông sản hoạt động trở lại cũng giúp cho công tác thu mua, vận chuyển nông sản dần đi vào quỹ đạo ổn định.

Riêng trên địa bàn Tp.Đà Nẵng hiện có 57/74 chợ truyền thống (2.803 tiểu thương) 6 điểm bán hàng đang hoạt động (thuộc Liên hiệp HTX Việt Farm). Các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, thực hiện 5K, lắp đặt màn ngăn giọt bắn, tấm chắn tránh tiếp xúc trực tiếp

Mới đây Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã báo cáo lên UBND Thành phố về đánh giá hoạt động của chợ đầu mối Hòa Cường bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 sau thời gian mở cửa trở lại

Ngọc Anh