Từ ngày 5/12/2020, ứng dụng gọi xe công nghệ phải đóng thuế VAT 10% như taxi truyền thống

Từ ngày 5/12/2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực. Theo đó tất cả đối tác tài xế dịch vụ gọi xe công nghệ được xem là cá nhân hợp tác với tổ chức kinh doanh và phải chịu mức thuế VAT 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe như taxi truyền thống, thay vì mức 3% như hiện nay.

Theo đó doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán, thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước đây. Cách tính này đồng nghĩa với số thuế khách hàng phải trả trên một cuốc xe sẽ tăng so với trước đây. Vì thế, trong trường hợp giá cước và tỷ lệ chiết khấu được giữ nguyên, thu nhập thực tế của tài xế sẽ giảm so với trước tuy tỷ lệ đóng thuế của tài xế thấp hơn. Muốn đảm bảo được thu nhập cho tài xế đòi hỏi doanh nghiệp phải tính đến cách tăng giá cước xe hoặc thay đổi tỷ lệ chiết khấu và khi đó người tiêu dùng mới là đối tượng chịu thiệt hại.

Theo Nghị định 126, cả hai loại hình gọi xe công nghệ (taxi và xe máy) đều chịu thuế VAT 10%. Do việc hợp tác còn liên quan đến đơn vị thứ ba nên cơ quan thuế sẽ xem xét cách tính thuế khác đối với dịch vụ giao đồ ăn nhanh và giao hàng.

Bà Tạ Thị Phương Lan – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) khẳng định với cách tính thuế mới này, cơ quan thuế không nhằm mục đích tăng đánh thuế tài xế mà nhằm thu thuế VAT theo đúng bản chất hoạt động kinh doanh. Do lâu nay quy định xoay quanh các mô hình kinh doanh mới như Grab, Gojek vẫn chưa hoàn thiện nên giờ đây phải tính lại cho đúng phần thuế VAT thu trên các dịch vụ gọi xe để đảm bảo sự công bằng.

Hiện nay mô hình kinh doanh của các dịch vụ gọi xe bằng ôtô đã được đưa vào Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Xét về bản chất, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe bằng ôtô hay xe máy nếu đều tham gia vào việc quyết định giá cước và chính sách với khách hàng nên họ là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Vì vậy, cơ quan thuế quản lý thuế VAT đối với dịch vụ vận tải của Grab, Gojek hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Thông thường giá hàng hoá hay dịch vụ cung cấp ra thị trường đều tính thuế VAT 10%; chính vì vậy trong lĩnh vực vận tải, doanh nghiệp truyền thống cũng phải xây dựng mức giá vận tải không bao gồm thuế và sau đó mới tính thêm VAT 10% trên mức giá này. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, khách hàng trả bao nhiêu thì doanh nghiệp phải xuất hoá đơn và tính trên tổng toàn bộ doanh thu. “Với chính sách thu thuế VAT mới, cơ quan thuế “nắm vào người có tóc”, tức là doanh nghiệp với tư cách pháp nhân phải đứng ra chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc kê khai và nộp thuế. Còn khi chính sách thuế có sự thay đổi, doanh nghiệp với tư cách pháp nhân có thể xem xét ký lại hợp đồng hoặc thoả thuận lại với tài xế để đảm bảo quyền lợi của đôi bên” – bà Lan nhấn mạnh.

Liên quan đến Nghị định 126 và quy định thu thuế mới chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, đại diện Be Group – đơn vị đã đăng ký kinh doanh là doanh nghiệp vận tải cho biết sẽ tiếp tục chờ đợi thông tư hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ tài xế tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đại diện Gojek Việt Nam cũng cho hay hãng xe này vẫn đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng để hiểu rõ hơn các quy định có liên quan thuộc Nghị định 126. Sau khi có thông tin chi tiết, Gojek sẽ thông báo trực tiếp tới các đối tác tài xế và khách hàng. Không chỉ ở Việt Nam mà tại bất kỳ thị trường nào Gojek hoạt động, ứng dụng gọi xe công nghề này đều cam kết luôn tuân thủ đúng và đầy đủ mọi quy định của pháp luật.

Cũng như Gojek, đại diện Grab khẳng định sẽ tuân thủ theo quy định mới. Ba bên Grab, người dùng và tài xế sẽ cùng chia sẻ phần thuế phát sinh thêm để giảm gánh nặng, đảm bảo thu nhập cho tài xế, người dùng không bị ảnh hưởng quá lớn. “Chúng tôi sẽ giữ nguyên tỷ lệ chiết khấu và sẽ tính toán lại giá cước cũng như chương trình thưởng để vừa giữ tính cạnh tranh trên thị trường vừa đảm bảo thu nhập cho tài xế” – đại diện Grab khẳng định

Kim Phương