TS. Phan Minh Ngọc: “Xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ gói kích thích 1.900 tỷ USD của Mỹ…”
Tối ngày 6/3 (theo giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói kích cầu 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất. Theo đánh giá của TS. Phan Minh Ngọc, với quy mô lớn lên đến gần 10% GDP của Mỹ, gói kích thích kinh tế lần này sẽ tác động lớn không chỉ lên nền kinh tế Mỹ mà còn gây ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vốn Mỹ tìm đường đến các thị trường mới nổi như Việt Nam
Gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất dưới dạng chi tiêu của Chính phủ Liên bang bao gồm: 750 tỷ USD liên quan đến Covid-19 như mua, phân phối và triển khai tiêm vaccine và truy dấu; 600 tỷ USD trợ cấp trực tiếp cho các gia đình (dưới dạng séc trị giá 1.400 USD mỗi người); 400 tỷ USD trợ cấp cho các gia đình bị thương tổn về tài chính (400 USD/người/tuần thất nghiệp); và 150 tỷ USD trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ. Viện Brookings ước tính gói kích thích này sẽ đẩy GDP của Mỹ tăng thêm 4% vào cuối năm 2021, 2% vào cuối năm 2022 và ở mức không đáng kể vào năm 2023 so với kịch bản nếu không có gói kích thích này. Đến năm 2023, về cơ bản nền kinh tế Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng dự báo đạt được trước khi xảy ra đại dịch.
Kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế cải thiện và trợ cấp Liên bang chắc chắn sẽ giúp thu nhập cá nhân và sức chi tiêu của người dân tăng mạnh trong năm 2021 và 2022. Điều này được minh chứng qua mức tăng tới 10% hồi tháng 1/2021 – tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 sau khi Chính phủ triển khai gói kích thích đầu tiên trị giá 300 tỷ USD hồi tháng 12/2020. Chi tiêu của người tiêu dùng, vốn chiếm đến hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, nhờ thế cũng tăng 2,4% trong cùng tháng, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 6/2020.
Điều đáng nói là trong bối cảnh tự do hóa thương mại, tăng trưởng tổng cầu tại Mỹ sẽ chỉ được đáp ứng một phần bởi sản xuất trong nước, phần còn lại sẽ được cung cấp bởi thế giới thông qua kênh nhập khẩu. Thống kê cho thấy trong tháng 1/2021 nhập khẩu của Mỹ đã đạt 260 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 12/2020 và là mức tăng mạnh nhất trong hơn một năm qua. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Mỹ trong tháng 1/2021 tăng 1% lên 192 tỷ USD. Tuy cũng tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2020 nhưng do xuất khẩu tăng chậm hơn nhập khẩu nên thâm hụt thương mại của Mỹ tăng kỷ lục lên 68 tỷ USD trong tháng 1/2021.
Theo TS. Phan Minh Ngọc, tác động đầu tiên từ gói kích thích mới của Mỹ lên phần còn lại của thế giới sẽ được thể hiện dưới dạng tích cực là làm tăng xuất khẩu của các nước đối tác vào Mỹ. Trong đó Việt Nam là một trong những đối tác đã và sẽ được hưởng lợi lớn nhất về mặt này. Số liệu thương mại của Việt Nam cho thấy xuất khẩu sang Mỹ tháng 1/2021 đã tăng vọt 70,3% so cùng kỳ năm trước và 6,2% so với tháng 12/2020, đạt 8,2 tỷ USD; xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã chiếm tới 28,7% tổng xuất khẩu của Việt Nam trong cùng tháng. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ tuy cũng tăng mạnh nhưng ở tốc độ nhỏ hơn nhiều (12,6% so cùng kỳ năm trước). Với xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ thị trường Mỹ, có thể nói tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 (và cả 2022) cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ.
Tác động thứ hai là sự gia tăng về mức biến động của dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi. Nếu đo lường bằng tỷ lệ vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP – tỷ lệ mà Warren Buffett miêu tả là “chỉ số đo lường tốt nhất về giá trị (chứng khoán) vào bất cứ thời điểm nào” thì tỷ lệ này đã đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại là 228% vào ngày 11/2, còn cao hơn cả mức trước khi xảy ra sụp đổ của thị trường bắt nguồn từ cổ phiếu dot-com tháng 3/2000. Điều này cho thấy chứng khoán Mỹ đã bị định giá quá cao (so với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế) nên sớm muộn sẽ phải điều chỉnh. “Kết quả là một phần của lượng vốn quá dồi dào ở Mỹ sẽ tìm đường đến các thị trường mới nổi khác như Việt Nam – nơi giá cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ cũng như doanh nghiệp vẫn còn “rẻ” và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, bản chất của dòng vốn “hot money” này là dễ vào nhưng cũng dễ ra ồ ạt nên có thể nói rằng các gói kích thích tài chính của Mỹ sẽ làm tăng mức độ rủi ro vĩ mô cho Việt Nam, bao gồm biến động tỷ giá và lãi suất, nếu sự lưu chuyển của dòng vốn ngoại không được kiểm soát chặt chẽ” – ông Ngọc cảnh báo.
Chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu các rủi ro
Bên cạnh những tác động tích cực, TS. Phan Minh Ngọc cho rằng gói kích cầu 1.900 tỷ USD của Mỹ cũng sẽ gây tác động tiêu cực lên các nước khác trên thế giới thông qua hai kênh chính là lạm phát và nợ gia tăng tại Mỹ. Cụ thể về lạm phát, sự bơm tiền ồ ạt ở Mỹ đã làm tăng kỳ vọng lạm phát như được thể hiện qua sự tăng mạnh của lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm của Mỹ, từ 0,93% hồi đầu năm lên tới 1,56% tuần qua sau khi trải qua bước thụt lùi nhẹ tạm thời hồi cuối tháng 2. Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng Mỹ đang “xuất khẩu lạm phát” ra phần còn lại của thế giới bằng chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng của mình trong bối cảnh toàn cầu cũng đang ngập tràn thanh khoản. Quả thật, với Dow Johns Commodity Index – chỉ số giá cả hàng hóa tổng hợp trong các thị trường tương lai, liên tục nối tiếp đà tăng mạnh mẽ từ cuối 2020, áp lực lạm phát có thể nói là một trong những thách thức của nhiều nước trong đó có Việt Nam vốn đã ghi nhận mức lạm phát khá cao (so với thế giới) trong năm 2020 trong khi cũng đang cố gắng duy trì một môi trường nới lỏng về tài khóa và tiền tệ.
Áp lực gia tăng lạm phát và lãi suất ở Mỹ cũng sẽ làm tăng áp lực lên lãi suất cho phần còn lại của thế giới, buộc các nước phải thận trọng hơn với các chương trình nới lỏng tài khóa và tiền tệ của mình. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế trong nước vì thế sẽ bị chững lại. Với những nước có không gian hạn hẹp cho chính sách tài khóa và tiền tệ như Việt Nam, tác động này có lẽ không lớn lắm bởi các cơ quan chức năng vẫn khá thận trọng trong nới lỏng các chính sách kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chính vì vậy Việt Nam không nên chủ quan mà cần phải quyết liệt hành động để ngăn ngừa, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy đến. Mặc dù trước mắt và trong ngắn hạn, các gói kích thích tài chính của Mỹ sẽ làm lợi cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua kênh xuất khẩu song về lâu dài, nhiều khả năng chúng sẽ gây ra các rủi ro cho Việt Nam và từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế. “Để đối phó hữu hiệu với những rủi ro ấy, Việt Nam cần kiểm soát và ngăn ngừa chặt chẽ những rủi ro tài chính ngoại lai bắt nguồn từ làn sóng nới lỏng của Mỹ và các nước phát triển như đã đề cập ở trên gắn với tăng cường giám sát hệ thống tài chính, ngân hàng; đồng thời có các kịch bản khác nhau về chính sách tỷ giá tương ứng với thực trạng lưu chuyển của dòng vốn ngoại biến động theo chiều hướng của lãi suất ở Mỹ” – TS. Phan Minh Ngọc khuyến nghị.
Hoàng Anh