Trung Quốc vẫn cần Australia để phục hồi kinh tế

Trung Quốc và Australia đã rơi vào tình trạng căng thẳng về thương mại trong phần lớn năm qua. Tuy nhiên, khi sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng tốc, Trung Quốc cần nhập khẩu thêm quặng sắt và Australia vẫn là nhà cung cấp chính.

Bắc Kinh hôm thứ Hai báo cáo rằng GDP của Trung Quốc đã tăng 2,3% trong năm ngoái, trái ngược với cuộc suy thoái đang bao trùm phần lớn thế giới khi đại dịch lan rộng. GDP trong quý 4 tăng 6,5% so với một năm trước đó.
Một động lực chính là việc chính phủ Trung Quốc quyết định đầu tư mạnh vào các dự án cơ sở hạ tầng. Sản lượng công nghiệp tháng trước tăng 7,3% so với một năm trước đó. Và sản lượng thép thô đạt kỷ lục 1,05 tỷ tấn trong năm, tăng 5% so với năm 2019.

Đất nước này không thể duy trì sản lượng như vậy nếu không có quặng sắt, thứ mà họ cần để làm thép cho đường xá, cầu cảng và các tòa nhà. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu quặng sắt nhiều hơn 17% so với năm 2019. Australia là nước hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu ngày càng tăng đó, chiếm tới khoảng 60% lượng quặng sắt mà Trung Quốc nhập khẩu.

Sean Langcake, nhà kinh tế cấp cao của Oxford Economics, cho biết: “Sự phục hồi công nghiệp ấn tượng của Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu sản xuất thép và Australia là nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thép chính cho Trung Quốc”. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn nguyên liệu thô từ Australia hoàn toàn trái ngược với những nỗ lực mà Bắc Kinh đã thực hiện để gây sức ép lên Canberra. Sau khi chính phủ Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch vào năm ngoái, Trung Quốc đã áp thuế hoặc cấm nhập khẩu rượu vang, thịt bò, lúa mạch và than đá.

Fortescue Metals Group (FSUGY), một công ty khai thác quặng sắt lớn khác của Australia, đã báo cáo vào tháng 10 rằng nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đã giúp công ty đạt được các lô hàng kỷ lục cho vật liệu này. Sau đó, báo cáo rằng họ đã ký các thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD với các nhà máy thép lớn của Trung Quốc để xuất khẩu quặng sắt. Australia không phải là quốc gia duy nhất cung cấp cho Trung Quốc nguồn nguyên liệu thô quan trọng này. Nhưng cho đến nay đây vẫn là nguồn cung lớn nhất, và một nhà phân tích cho rằng sẽ khó có thể thay thế nếu quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ hơn nữa.

Bình Minh