Trung Quốc và nỗ lực xanh hóa ngành nuôi trồng thủy sản
Những năm gần đây, lo ngại về ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản đã xuất hiện thường xuyên hơn trong các tuyên bố của chính quyền Trung Quốc.

Theo thống kê, gần 5% ô nhiễm ở đường thủy nội địa Trung Quốc đến từ nuôi trồng thủy sản. Đây là lý do khiến Chính phủ Trung Quốc luôn thẳng tay trừng phạt các cơ sở nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường; đồng thời nỗ lực thiết lập một kế hoạch quản lý quốc gia thống nhất cho các bãi bồi để bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên và nguồn cung nước.
Nỗ lực này của Trung Quốc nhận được sự trợ lực rất lớn từ các nhóm điều tra viên tình nguyện và hiện nay là các tập đoàn kinh tế lớn với tham vọng chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này. Theo đó các doanh nghiệp đã mạnh tay rót vốn đầu tư vào các dự án sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng trong nuôi trồng thủy sản với khối lượng lớn.
Cụ thể Tập đoàn Quảng Đông Qiang Jing mới đây đã công bố đầu tư vào dự án nuôi trồng và chế biến cá chẽm ở thành phố Chu Hải, giáp ranh Ma Cao với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu CNY (tương 37,5 triệu USD). Trước đó Quảng Đông Qiang Jing cùng với Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Yue Nong Quảng Đông cũng đã cấp vốn cho vòng tài trợ đầu tiên của dự án này.
Có thể thấy các công ty như Quảng Đông Qiang Jing đang “bắt mạch” thị trường để tập trung vào sản xuất và tiêu thụ các loại thủy sản cao cấp. Với tôn chỉ “đồng hành làm giàu cùng bà con nông dân”, doanh nghiệp này còn chủ động chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản cho bà con. Đây cũng là bước đi chiến lược của Quảng Đông Qiang Jing trong thực hiện sứ mệnh xây dựng mạng lưới phân phối toàn quốc đối với các loại thực phẩm có giá trị cao.
Một doanh nghiệp khác là Aohua cũng thực hiện chuyển đổi và nâng cấp lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở miền Trung Trung Quốc. Tổng Giám đốc Yang Mengbo cho biết ngoài thay thế cá trắm cỏ bằng cá da trơn, trong năm 2019 doanh nghiệp này còn nuôi thêm cá chẽm ở tỉnh Hồ Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
New Hope Liuhe – một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất của Trung Quốc cũng đang thực hiện một cuộc cách mạng thông qua việc đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn công nghệ sinh học lớn nhất và hiện đại nhất tại Quảng Đông, cung cấp thức ăn cao cấp và vitamin cho động vật giáp xác.
Cùng với New Hope Liuhe, mới đây Tập đoàn Hồ Nam Kun Yuan cũng đã liên doanh với Guilian Tianke Biotechnogy khởi công nhà máy sản xuất kháng sinh và các sản phẩm dinh dưỡng cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Có thể thấy hoạt động nuôi trồng thủy sản cao cấp tại Trung Quốc đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân. Trong khi đó các nhà sản xuất cá rô phi lại gánh chịu tổn thất nghiêm trọng với mức giá chạm đáy kể từ 3 năm trở lại đây và các nhà sản xuất cá chép cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên với các công ty chú trọng gia tăng giá trị cho các loài phổ biến hơn ở Trung Quốc, cơ hội lại rất rộng mở. Vừa qua Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tongwei vinh dự nhận giải thưởng khoa học quốc gia cho công trình cải thiện chất lượng thịt trong cá chép. Thông qua nghiên cứu của mình, Tongwei tuyên bố họ đã giúp kéo giảm đến 84% tỷ lệ tử vong trên cá chép, đồng thời giảm 73% chi phí cho bệnh tật và thuốc.
Dự báo công cuộc chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, dễ gây ô nhiễm môi trường sang nuôi trồng quy mô lớn với các loài có giá trị sẽ được đẩy mạnh sau khi xuất hiện những bất đồng giữa các quan chức quốc gia và địa phương về việc đóng cửa các cơ sở nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ. Ông Li Ganjie – Bộ trưởng Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã cam kết với Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc rằng cơ quan này sẽ chấm dứt hoàn toàn việc tự ý đóng cửa các cơ sở nuôi trồng thủy sản, tiến tới trao cho chính quyền địa phương quyền quyết định có nên đóng cửa hay tìm cách khắc phục các hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Khẳng định các cơ sở nuôi trồng thủy sản mật độ cao là nguồn gây ô nhiễm chín,h Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Cao Jian Ming cũng đồng thời thúc giục cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học đối với việc giảm tác hại của nuôi trồng thủy sản lên môi trường.
Cách tiếp cận này có thể bao gồm việc sử dụng nuôi trồng thủy sản như một công cụ để phục hồi các vùng nước bị ô nhiễm. Phó Chủ tịch Cao Jian Ming cũng chỉ ra kinh nghiệm sử dụng cá da trơn để làm sạch nước ở các hồ nước ngọt quan trọng của Trung Quốc như hồ Poyang và hồ Taihu.
Bảo Nguyên