Trung Quốc tự chi hàng tỷ USD để giải cứu các nước BRI
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho các chính phủ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu vay những khoản tiền lớn, tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của mình thông qua siêu dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) và trở thành một trong những chủ nợ lớn nhất thế giới.
Giờ đây, một nghiên cứu mới cho biết Bắc Kinh cũng đã trở thành nhà cho vay cứu trợ khẩn cấp lớn đối với chính những quốc gia đó, với nhiều quốc gia trong số đó đang phải vật lộn để trả nợ.
Từ năm 2008 đến năm 2021, Trung Quốc đã chi 240 tỷ USD cứu trợ 22 quốc gia gần như là con nợ của dự án BRI, bao gồm Argentina, Pakistan, Kenya và Thổ Nhĩ Kỳ, theo nghiên cứu được công bố hôm thứ Ba bởi các nhà nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới, Trường Harvard Kennedy, Viện Kinh tế Thế giới Kiel và phòng thí nghiệm nghiên cứu AidData có trụ sở tại Mỹ.
Mặc dù các gói cứu trợ của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn so với các gói cứu trợ do Mỹ hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp, vốn thường xuyên cấp các khoản vay khẩn cấp cho các nước đang gặp khủng hoảng, nhưng nó đã trở thành một nhân tố chủ chốt đối với nhiều nước đang phát triển.
Báo cáo cho biết sự trỗi dậy của Bắc Kinh với tư cách là nhà quản lý khủng hoảng quốc tế có vẻ là kịch bản quen thuộc: Mỹ đã thực hiện một chiến lược tương tự trong gần một thế kỷ, đưa ra các gói cứu trợ cho các quốc gia mắc nợ cao như những nước ở Mỹ Latinh trong cuộc khủng hoảng nợ những năm 1980. Báo cáo viết: “Chúng tôi thấy lịch sử tương đồng với thời kỳ khi Mỹ bắt đầu trỗi dậy như một cường quốc tài chính toàn cầu, đặc biệt là vào những năm 1930 và sau Thế chiến 2”.
Nhưng cũng có những khác biệt.
Thứ nhất, các khoản vay của Trung Quốc bí mật hơn nhiều, với hầu hết các hoạt động và giao dịch của nước này “khuất mắt trông coi:”. Nghiên cứu cho biết nó phản ánh hệ thống tài chính thế giới đang trở nên “ít được thể chế hóa hơn, kém minh bạch hơn và rời rạc hơn”.
Ngân hàng trung ương của Trung Quốc cũng không tiết lộ dữ liệu về các khoản vay hoặc thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương nước ngoài khác. Các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc không công bố thông tin chi tiết về các khoản cho vay của họ đối với các quốc gia khác.
Thay vào đó, nhóm nghiên cứu dựa vào các báo cáo hàng năm và báo cáo tài chính của các quốc gia khác có thỏa thuận với ngân hàng Trung Quốc, các bản tin, thông cáo báo chí và các tài liệu khác để tổng hợp bộ dữ liệu của họ.
Brad Parks, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trên blog AidData: “Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để đo lường tác động của các khoản cho vay giải cứu của Trung Quốc – đặc biệt là các dòng hoán đổi lớn do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quản lý. Bắc Kinh đã tạo ra một hệ thống toàn cầu mới để cho vay cứu trợ xuyên biên giới, nhưng nó đã làm như vậy một cách không rõ ràng và không có sự phối hợp”.
Trong một thập kỷ, Sáng kiến BRI của Bắc Kinh đã rót hàng tỷ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng mỗi năm: mở đường cao tốc từ Papua New Guinea đến Kenya, xây dựng cảng từ Sri Lanka đến Tây Phi và cung cấp cơ sở hạ tầng điện và viễn thông cho người dân từ Mỹ Latinh đến Đông Nam Châu Á.
Được công bố lần đầu tiên vào năm 2013 dưới thời nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sáng kiến này được coi là một bước mở rộng trong quá trình vươn lên mạnh mẽ của đất nước để trở thành cường quốc toàn cầu.
Tính đến tháng 3 năm 2021, 139 quốc gia đã đăng ký tham gia sáng kiến, chiếm 40% GDP toàn cầu, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn của Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, BRI đã đạt gần 1 nghìn tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt kinh phí và trở ngại chính trị đã khiến một số dự án bị đình trệ, trong khi những dự án khác bị hủy hoại bởi các sự cố môi trường, bê bối tham nhũng và vi phạm lao động.
Dư luận ở một số quốc gia cũng lo ngại về các vấn đề như nợ quá hạn và ảnh hưởng của Trung Quốc. Những cáo buộc rằng BRI là một “bẫy nợ” rộng lớn được thiết kế để kiểm soát cơ sở hạ tầng địa phương, trong khi phần lớn bị các nhà kinh tế bác bỏ, đã làm giảm uy tín của sáng kiến này.
Vào tháng 1/2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã bác bỏ cáo buộc Trung Quốc tạo ra một “bẫy nợ” ở châu Phi, nơi nhận nhiều khoản đầu tư của BRI. Trong một tuyên bố dẫn lời Tần Cương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc luôn cam kết giúp châu Phi giảm bớt gánh nặng nợ nần” và chỉ ra các thỏa thuận giảm nợ của Bắc Kinh với một số quốc gia châu Phi.
Minh Long