Trung Quốc thúc đẩy hợp tác với quốc gia châu Phi Eritrea

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Eritrea khi ông tuyên bố các động thái tiếp theo nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác của Bắc Kinh với quốc gia Sừng châu Phi này.

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Eritrean Isaias Afwerki hôm thứ Tư, ông Vương Nghị lên án Mỹ và một số nước châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Eritrea vì can dự vào cuộc xung đột Ethiopia. Vương Nghị cũng cam kết hỗ trợ tài chính cho Eritrea, một quốc gia gần đây được kết nạp vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Một tuyên bố chung Vương Nghị và người đồng cấp Osman Saleh nói rằng cả hai bên “phản đối sự can thiệp của bá quyền vào công việc nội bộ của các nước khác với lý do dân chủ và nhân quyền”. Hai bên khẳng định rằng phía Trung Quốc chống lại bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương nào đối với Eritrea. Phía Eritrea tái khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc.

Vào tháng 11, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quân đội Eritrea, lực lượng có binh sĩ đã chiến đấu ở khu vực Tigray cùng với lực lượng Ethiopia chống lại nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray.

Trong khi gặp Tổng thống Isaias vào thứ Tư tại thủ đô Asmara, Vương Nghị thông báo rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 100 triệu nhân dân tệ (15,7 triệu đô la Mỹ) để hỗ trợ thêm cho Eritrea khi quốc gia vùng Sừng châu Phi này hoan nghênh Trung Quốc đầu tư vào khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng và cảng Massawa và Assab.

Với chuyến công du ba nước bao gồm cả Kenya và Comoros, Vương Nghị đang duy trì truyền thống của Trung Quốc kể từ năm 1991 là đưa châu Phi trở thành điểm đến nước ngoài đầu tiên trong năm của một ngoại trưởng. Đây là chuyến đi thứ hai của Vương Nghị tới lục địa này chỉ trong vòng hơn một tháng, sau khi ông đồng chủ trì Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tại Senegal vào cuối tháng 11.

Bộ trưởng Thông tin Eritrea Yemane Meskel cho biết ông Vương đã chuyển thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình tới người đồng cấp Eritrea Isaias mời ông đến thăm Trung Quốc để hội đàm sâu rộng về quan hệ đối tác chiến lược của họ.

Quốc gia châu Phi này trong nhiều năm đã bị tách biệt với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, họ có một tài sản quan trọng: khả năng tiếp cận Biển Đỏ, Kênh đào Suez và châu Âu, khiến họ trở nên cực kỳ quan trọng đối với vành đai và con đường.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc có khả năng sử dụng Eritrea để mở rộng Con đường Tơ lụa trên biển như một phần của vành đai và con đường. Người ta ước tính rằng 10% thương mại toàn cầu đi qua đường thủy ven biển của Biển Đỏ.

Vào tháng 11, Eritrea trở thành quốc gia châu Phi mới nhất tham gia Vành đai và con đường, một sáng kiến ​​trị giá hàng tỷ đô la đã giúp xây dựng các siêu dự án cơ sở hạ tầng bao gồm cảng, đập điện, đường sắt và đường bộ trên khắp châu Phi.

Như Huyền