Trung Quốc tăng cường trấn áp các công ty công nghệ niêm yết tại Mỹ

Chỉ một ngày sau khi gã khổng lồ gọi xe Didi bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc, các nhà chức trách đã bắt đầu điều tra ba dịch vụ công nghệ lớn khác, với lý do lo ngại về an ninh dữ liệu quốc gia.
Các công ty bị điều tra gần đây đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, mặc dù căng thẳng địa chính trị giữa hai nước vẫn ở mức cao và chính quyền Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp các công ty công nghệ.
Hôm thứ Hai, cơ quan giám sát an ninh mạng của Trung Quốc đã công bố các cuộc điều tra về các nền tảng cho thuê xe tải Yunmanman và Huochebang, cũng như trang web tuyển dụng Boss Zhipin. Người dùng mới không thể đăng ký ba ứng dụng này trong quá trình điều tra.
Yunmanman và Huochebang là hai ứng dụng gọi xe tải lớn của Trung Quốc và tự đặt tên cho mình là “Uber dành cho xe tải”. Họ đã hợp nhất vào năm 2017 để tạo ra một công ty mới – Full Truck Alliance, được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York vào tháng trước, và hiện được định giá 21 tỷ USD.
Boss Zhipin là một trong những nền tảng tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Công ty mẹ Kanzhun của họ đã niêm yết tại New York vào tháng trước và có vốn hóa thị trường gần 15 tỷ USD.
Văn phòng Đánh giá An ninh mạng cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc điều tra đang được thực hiện để “ngăn ngừa rủi ro an ninh dữ liệu quốc gia, duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích công cộng.”
Full Truck Alliance cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ tích cực hợp tác với cuộc điều tra và tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng an ninh mạng của mình.
Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cấm Didi, dịch vụ gọi xe lớn nhất của nước này, khỏi các cửa hàng ứng dụng sau khi cho rằng nó gây ra rủi ro an ninh mạng cho khách hàng. CAC là cơ quan quản lý internet hàng đầu của Trung Quốc và bộ phận Văn phòng Đánh giá An ninh mạng của họ chịu trách nhiệm xem xét các rủi ro an ninh mạng.
Kể từ khi thành lập vào năm 2012, Didi đã trải qua một số vòng gọi vốn tư nhân, huy động được hàng chục tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các hãng công nghệ lớn. Theo bản cáo bạch IPO, SoftBank Vision Fund hiện là cổ đông lớn nhất của Didi, với 21,5% cổ phần. Theo sau đó là Uber và Tencent với 12,8% và 6,8% cổ phần.
Các hành động pháp lý chống lại Didi và các công ty khác là một phần của cuộc đàn áp rộng rãi đối với các công ty Big Tech ở Trung Quốc.
Vào tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh các công ty “nền tảng” ở nước này. Một số công ty công nghệ trong vài tháng qua đã phải đối mặt với các cuộc điều tra vì bị cáo buộc có hành vi độc quyền hoặc vi phạm quyền của khách hàng dẫn đến tiền phạt kỷ lục và đại tu lớn.
Vào tháng 4, Alibaba, gã khổng lồ mua sắm trực tuyến do Jack Ma đồng sáng lập, đã bị phạt mức kỷ lục 2,8 tỷ USD sau khi các cơ quan quản lý chống độc quyền kết luận công ty đã có các hành vi độc quyền. Vài ngày sau khi án phạt được ban hành, Ant Group, một bộ phận khác trong đế chế kinh doanh của Jack Ma, được lệnh phải cải tổ hoạt động và trở thành một công ty nắm giữ tài chính do ngân hàng trung ương giám sát.
Thanh Bình