Trung Quốc ngày càng khủng hoảng thịt lợn nghiêm trọng
Thịt lợn có một vai trò rất quan trọng ở Trung Quốc. Nước này chiếm một nửa tổng đàn lợn trên toàn cầu và thịt lợn là một thực phẩm chính của người Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc khan hiếm thịt lợn có thể gây bất ổn xã hội ở Trung Quốc. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc cũng đe dọa gây đảo lộn chuỗi cung ứng thịt lợn toàn cầu.
Dịch tả lợn châu Phi đã khiến Trung Quốc mất gần 1/3 tổng đàn lợn. Chính phủ nước này đang tính đến những biện pháp mạnh để bình ổn thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới.
Nhà chức trách Trung Quốc đã vạch ra những kế hoạch để đảm bảo nguồn cung thịt lợn, bao gồm trợ cấp cho các trang trại lợn và hỗ trợ những hộ gia đình gặp khó khăn vì giá thịt lợn tăng cao. Tuy nhiên, nỗ lực chống khủng hoảng thịt lợn của Trung Quốc đang được đẩy lên một cấp độ mới, trang CNN Business cho hay.
Trong vòng 1 năm qua, giá bán lẻ thịt lợn ở Trung Quốc tăng gần 70%. Trong tuần cuối của tháng 8, giá thịt lợn bán buôn ở nước này tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của chính phủ nước này. Các nhà phân tích nói rằng giá thịt lợn ở Trung Quốc còn có thể tăng cao hơn.
Bắc Kinh đã cam kết sẽ xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh dùng cho trường hợp khẩn cấp nếu cần thiết. Tuần trước, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói cơ quan này sẽ “theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường” trước khi đưa ra một quyết định như vậy.
Trong vòng 1 năm tính đến tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã mất hơn 100 triệu con lợn trong dịch tả lợn châu Phi, theo dữ liệu do Bộ Nông nghiệp nước này công bố ngày 3/9. Tình trạng khan hiếm thịt lợn trở nên tồi tệ hơn do các trang trại không nhanh chóng tái đàn để thay thế số lợn chết dịch.
Điều này buộc cơ quan chức năng phải tìm mọi biện pháp khuyến khích nông dân và các trang trại đẩy nhanh việc tái đàn lợn. Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngày 4/9 đã đề nghị các chính quyền địa phương hỗ trợ vốn cho việc tạo lợn giống. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng trợ cấp, hỗ trợ vốn vay và bảo hiểm cho các cơ sở chăn nuôi lợn trên toàn quốc.
Các biện pháp trên mang đến niềm lạc quan mới cho các nhà đầu tư cổ phiếu liên quan đến thịt lợn ở Trung Quốc. Cổ phiếu WH Group, công ty chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới, tăng gần 8% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư tại thị tường Hồng Kông. Cổ phiếu hai công ty chế biến thịt lợn khác là Yurun Food Group và COFCO Meat Holdings tăng tương ứng 3,2% và 3%.
Hiện nay, một số thành phố của Trung Quốc đã áp dụng hạn chế lượng thịt lợn mà mỗi người dân có thể mua hàng ngày. Ngoài ra, một số chính quyền địa phương bán thịt lợn giảm giá để hạ nhiệt thị trường.
Chẳng hạn, chính quyền Nam Ninh trong tháng 9 này cung cấp thịt lợn với giá thấp hơn ít nhất 10% so với giá bình quân trên thị trường. Ngoài ra, người dân bị giới hạn chỉ được mua 1 kg thịt lợn mỗi ngày.
Nhiều địa phương thuộc tỉnh Phúc Kiến cũng trợ giá thịt lợn và hạn chế lượng thịt mỗi người được mua hàng ngày.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng sắp tới. Một báo cáo của Soochow Securities dự báo giá thịt lợn ở nước này sẽ đạt đỉnh ở mức 30 Nhân dân tệ (4,2 USD)/kg, tăng 40% so với hiện nay.
Giá thịt lợn tăng cao có thể sẽ buộc Trung Quốc phải nhập khẩu thêm thịt lợn từ các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là từ châu Âu. Rabobank ước tính sản lượng thịt lợn của Trung Quốc có thể giảm 25% trong năm nay, đồng nghĩa với nước này phải nhập khẩu tới 1,5 triệu tấn thịt lợn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ châu Âu đã tăng 54%, chủ yếu đến từ Tây Ban Nha, Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Pháp.
Duy Sơn