Trung Quốc lên kế hoạch đối phó với một thế giới bất ổn: sử dụng chính người tiêu dùng trong nước

Khi các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẵn sàng đưa ra kế hoạch phát triển quốc gia của họ trong 5 năm tới, một số cố vấn chính phủ nhấn mạnh ưu tiên là xây dựng sức mạnh trong nước của Trung Quốc.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực biến nền kinh tế từ một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang một nền kinh tế được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa. Quốc gia này phải đối mặt với cú sốc của đại dịch COVID-19 đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm nay cũng như căng thẳng với Mỹ. Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Justin Yifu Lin, cố vấn của Quốc vụ viện, nói: “Nền kinh tế Trung Quốc cần tiếp tục phát triển. Nếu xuất khẩu giảm (do nhu cầu toàn cầu giảm), thì chúng sẽ được tiêu thụ trong nước”.

Tương tự, áp lực của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc như Huawei có nghĩa là các doanh nghiệp này cũng phải nhìn vào thị trường Trung Quốc nhiều hơn, Lin nói. Ông cũng là hiệu trưởng danh dự của Trường Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, và trước đây là nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới.

Việc tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc là một phần của thuật ngữ mới – “lưu thông kép” – đã xuất hiện khi các nhà lãnh đạo đang cân nhắc về kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo dự kiến ​​bắt đầu vào năm 2021. Kế hoạch kinh tế sẽ là lộ trình thứ 14 cho các ưu tiên quốc gia.

Hôm thứ Hai, truyền thông nhà nước thông báo rằng Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng tại Bắc Kinh theo kế hoạch từ ngày 26 đến 29 tháng 10.

Điều đó có nghĩa là phiên họp sẽ kết thúc chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, diễn ra vào ngày 3 tháng 11.

Các điều khoản chính sách kinh tế mới

Định nghĩa chính xác của “lưu thông kép” vẫn còn mơ hồ, nhưng trong các cuộc thảo luận công khai, nó thường được gắn với hai thuật ngữ khác: “lưu thông nội bộ” tập trung vào việc thúc đẩy thị trường nội địa của Trung Quốc và “lưu thông bên ngoài” dùng để chỉ thương mại với các nước khác.

Lin và hai cố vấn chính phủ khác đã nhấn mạnh lưu thông kép và các chính sách liên quan không phải là phản ứng trước cú sốc của các yếu tố ngắn hạn như COVID-19, mà là một phần trong quỹ đạo của Trung Quốc hướng tới mô hình giống các nước phát triển dựa nhiều hơn vào thị trường nội địa.

Theo ông Lin, thách thức lớn nhất là sự không chắc chắn gây ra bởi các yếu tố bên ngoài không thể kiểm soát, từ thiên tai đến chủ nghĩa bảo hộ.

Phản ứng của Trung Quốc đối với sự gia tăng bất ổn toàn cầu

Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trên sân nhà. Lĩnh vực dịch vụ, mà các cố vấn hôm thứ Ba cho biết họ kỳ vọng sẽ chiếm một phần lớn hơn của nền kinh tế trong tương lai, vẫn nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.

Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra quyết định hiếm hoi là không công bố mục tiêu tăng trưởng hàng năm cho nền kinh tế của mình trong năm nay tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, vốn đã bị trì hoãn khoảng hai tháng cho đến tháng 5 do sự bùng phát của COVID-19.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,1% vào năm 2019, tốc độ chậm nhất trong gần ba thập kỷ, theo dữ liệu chính thức vốn có độ chính xác thường bị nghi ngờ.

Ngọc Đỉnh