Trung Quốc lên án kế hoạch WHO kiểm tra các phòng thí nghiệm nước này

Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc kiểm tra các phòng thí nghiệm của Trung Quốc như một phần của cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 cho thấy “sự thiếu tôn trọng” và “kiêu ngạo đối với khoa học”. Tuần trước, WHO cho biết giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra quốc tế nên bao gồm việc kiểm tra các phòng thí nghiệm của Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng áp lực đối với cuộc điều tra về một phòng thí nghiệm công nghệ sinh học ở Vũ Hán.

Đề xuất do Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra bao gồm “kiểm toán các phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu có liên quan hoạt động trong khu vực phát hiện các ca mắc ban đầu vào tháng 12 năm 2019” – tức thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Zeng Yixin nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng ông “cực kỳ ngạc nhiên” trước kế hoạch này, theo ông cho thấy “sự thiếu tôn trọng với lẽ thường và thái độ khinh thường đối với khoa học”.

Từ lâu đã bị chế giễu là một thuyết âm mưu của cánh hữu và bị Bắc Kinh bác bỏ kịch liệt, ý tưởng cho rằng COVID-19 có thể xuất hiện từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm đang nhận được nhiều sự ủng hộ.

Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định rằng một vụ rò rỉ sẽ là “cực kỳ khó xảy ra”, viện dẫn kết luận của một phái đoàn chung của WHO và Trung Quốc đến Vũ Hán vào tháng 1. Đồng thời, các quan chức Trung Quốc và truyền thông nhà nước đã đưa ra giả thuyết thay thế rằng virus có thể đã thoát ra khỏi phòng nghiên cứu quân sự của Mỹ tại Fort Detrick, Maryland.

Những ngày gần đây, Trung Quốc đã phải đối mặt với cáo buộc từ WHO rằng họ đã không chia sẻ các dữ liệu thô cần thiết trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra, với việc Tedros thúc giục Bắc Kinh “minh bạch, cởi mở và hợp tác” trong giai đoạn thứ hai. Tedros hôm thứ Sáu cũng kêu gọi các nghiên cứu thêm về chợ bán động vật trong và xung quanh Vũ Hán. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng lớn đối với một cuộc điều tra mới, chuyên sâu hơn về cách thức mà căn bệnh đã giết chết hơn bốn triệu người trên thế giới lần đầu tiên xuất hiện.

WHO chỉ có thể cử một nhóm chuyên gia quốc tế, độc lập đến Vũ Hán vào tháng 1, hơn một năm sau khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện ở đó, để giúp các đối tác Trung Quốc thăm dò nguồn gốc của đại dịch. Các bình luận hôm thứ Năm được đưa ra trước chuyến đi cuối tuần tới Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman để giải quyết mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nước. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất dưới thời Tổng thống Joe Biden và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc về các vấn đề bao gồm nguồn gốc của đại dịch, nhân quyền và an ninh mạng.

Thế Anh