Trung Quốc gây đình trệ kế hoạch xóa nợ của G20 cho các nước khó khăn
Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi G20 đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nợ để giúp các nước có khả năng vỡ nợ nhưng các nước đang phát triển đến nay vẫn chưa thấy được lợi ích – điều mà Mỹ và các nhóm đa phương đang đổ lỗi do Trung Quốc gây ra.
Nhóm 20 quốc gia giàu có (G20) đã thiết lập Khuôn khổ chung vào cuối năm 2020 để giúp 70 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ.
Theo kế hoạch này, các nước tham gia phải đồng ý tái cơ cấu nợ với các bên cho vay song phương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các quốc gia sau đó được cho là tìm cách xử lý nợ tương tự từ các chủ nợ khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, chỉ có ba quốc gia – Chad, Zambia và Ethiopia – tìm kiếm sự giúp đỡ và không một nước nào trong số họ nhận được bất kỳ khoản giảm nợ nào, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã khiến hoàn cảnh nợ nần của họ trở nên tồi tệ hơn.
Đầu tháng này, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã nhóm họp để xem xét các đề xuất của IMF và Ngân hàng Thế giới về việc đình chỉ dịch vụ nợ ngay lập tức đối với các nước đang tìm cách tái cơ cấu nợ.
Nhưng cuộc họp đã không tán thành các đề xuất và các cuộc đàm phán kết thúc mà không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ. Một điểm mấu chốt chính là Trung Quốc được cho là không muốn cắt giảm hoàn toàn các khoản nợ.
Eric LeCompte, giám đốc điều hành của Jubilee USA và là chuyên gia tài chính của Liên hợp quốc, người đã theo dõi các cuộc họp G20 và G7 kể từ năm 2010, cho biết cuộc thảo luận về nợ là một trong những cuộc đối thoại khó khăn nhất tại cuộc họp G20.
Ông nói: “Các nước đang phát triển phải vật lộn với tình trạng thiếu tài nguyên trước khi đại dịch ập đến. Giờ đây, họ phải vật lộn với doanh thu thấp và các khoản nợ ngày càng tăng. Nếu không được xóa nợ, chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng vỡ nợ và các quốc gia sẽ hết tiền để trả cho các chủ nợ của họ”.
Ông cho biết lời hứa của Khuôn khổ chung của G20 là nó có thể tập hợp tất cả các chủ nợ, bao gồm cả Trung Quốc và khu vực tư nhân, dưới một cái ô. Thật không may, khu vực tư nhân đã từ chối hợp tác và Trung Quốc đang làm chậm quá trình này.
Ông nói: “Có vẻ như Trung Quốc muốn cắt giảm các thỏa thuận nợ của mình trước khi Quy trình Khung chung được thực hiện đầy đủ hơn. Điều này có nghĩa là G20 vẫn thiếu sự đồng thuận để tiến tới quá trình giảm nợ của họ một cách mạnh mẽ và nhanh chóng”.
Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể nợ chính phủ.
Tại buổi ra mắt báo cáo Phát triển Thế giới 2022 vào đầu tháng này, chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết quá trình này đã gặp phải một bức tường thành.
Ông nói: “Hiện tại, không có hệ thống có thể dự đoán hoặc có trật tự để tái cơ cấu nợ chính phủ, và việc thực hiện Khuôn khổ chung G20 đang bị đình trệ”.
Trong lời công kích nhằm vào Trung Quốc, Malpass nói “chúng tôi cần tiến triển ngay lập tức về minh bạch nợ, đặc biệt liên quan đến bí mật hợp đồng, tài sản thế chấp và tài khoản ký quỹ”.
Hai ngày sau, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc, nói rằng nước này cần tích cực hơn trong các nỗ lực xóa nợ G20. Bà cho biết sáng kiến G20 “diễn ra không nhanh chóng” và Mỹ “hy vọng sẽ thấy sự tham gia tích cực hơn nữa” từ Trung Quốc.
Hào Anh