Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát doanh nghiệp nhỏ

Các nhà đầu tư vào các công ty Trung Quốc đã mất cảnh giác vào mùa hè này trước những hành động của Bắc Kinh chống lại những gã khổng lồ công nghệ trong nước, bao gồm cả những bình luận về cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài.

Một trong những điều bất ngờ là quy định được đưa ra vào cuối tháng 7 rằng các doanh nghiệp giáo dục Trung Quốc nên tái cơ cấu và loại bỏ đầu tư từ người nước ngoài. Một quy định riêng vào đầu tháng trước đã kêu gọi các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng gọi xe Didi của Trung Quốc – chỉ vài ngày sau khi họ có đợt IPO lớn ở New York.

Cổ phiếu Didi đã giảm hơn 30% kể từ khi niêm yết.

Zhu Ning, giáo sư tài chính kiêm phó hiệu trưởng tại Viện Tài chính Thượng Hải, cho biết: “Có lẽ điều quan trọng mà nhà đầu tư quốc tế cần lưu ý là hiện đang có một sự thay đổi lớn và sâu sắc về tư duy triết học về chính sách kinh tế, về điều gì quan trọng hơn trong nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài cần phải hiểu và (chuẩn bị) cho điều đó”.

Một “sự thay đổi rất lớn” đó là cam kết chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc là mang lại “sự thịnh vượng chung” – sự giàu có cho tất cả mọi người, trái ngược với tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng của đất nước.

Các nỗ lực để đạt được cam kết này đã tăng tốc trong 12 tháng qua. Chính phủ Trung Quốc đã bảo vệ Alibaba khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài trong nhiều năm, cho đến khi công ty phát triển lớn mạnh dưới thời người sáng lập Jack Ma, đến nỗi các quan chức phải đột ngột đình chỉ đợt IPO khổng lồ của Ant Group vào tháng 11 và phạt Alibaba 18,23 tỷ nhân dân tệ vào tháng 4. Sự phẫn nộ đối với các công ty công nghệ cũng đang gia tăng ở Trung Quốc, đặc biệt là từ các doanh nghiệp nhỏ cảm thấy bị chèn ép bởi những người khổng lồ kỹ thuật số.

Một chủ nhà hàng ở Bắc Kinh yêu cầu giấu tên nói: “Có vẻ như các nền tảng internet cung cấp cho chúng tôi nhiều cơ hội hơn, nhưng nó cũng đặt thêm gánh nặng tài chính cho chúng tôi”, người này hiện lo sợ bị trả thù bởi các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến.

Ban đầu, bà đã niêm yết nhà hàng của mình trên Meituan – nền tảng giao đồ ăn thống trị của Trung Quốc – vào đầu năm 2019 và trả phí hoa hồng là 18%. Bà cho biết nhân viên của Meituan đã nói với bà rằng vì đây là mức phí thấp nhất hiện có trên trang web nên bà không thể niêm yết trên các trang web giao đồ ăn khác. Khi đại dịch cắt đứt doanh thu từ thực khách đến cửa hàng, bà đã niêm yết cửa hàng của mình trên nền tảng giao đồ ăn Ele.me của Alibaba. Điều đó đã kích động các cuộc gọi giận dữ từ nhân viên Meituan, họ nói rằng bà sẽ phải trả 25% phí hoa hồng nếu bà không từ bỏ ứng dụng Ele.me. Sau đó, bà quyết định bỏ Meituan. Meituan từ chối bình luận về trường hợp kinh doanh đơn lẻ này.

Gã khổng lồ công nghệ đã bị chỉ trích vào năm ngoái vì bị cáo buộc trả lương thấp cho 9,5 triệu người đi giao hàng của mình, những người được cho là đối mặt với nguy cơ bị thương hoặc tử vong cao do vội vã giao hàng để thực hiện thời gian giao hàng được tính toán theo thuật toán.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết các nhà chức trách đang “cố gắng giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập” trong một năm mà họ có cơ hội hiếm có để giải quyết các vấn đề dài hạn mà không cần lo lắng nhiều về tăng trưởng.

Các quan chức đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% cho năm nay, tương đối thấp so với mức tăng trưởng 8% hoặc 8,5% mà nhiều nhà kinh tế dự đoán đối với Trung Quốc. Nhà kinh tế Zhang khẳng định rằng các chính sách của Trung Quốc đã tăng cao một cách đáng ngạc nhiên”. Mặc dù ông nói rằng sẽ rất hữu ích cho các nhà chức trách trong việc hỗ trợ nhiều hơn cho đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân nói chung, nhưng Zhang lưu ý rằng cuộc đàn áp mới nhất lại nhắm vào các lĩnh vực như giáo dục “mà công chúng đã đưa ra nhiều phàn nàn trước đây”.

Bảo Ngọc