Trọng tâm chuyến thăm của Putin tới Iran

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thăm Tehran vào thứ Ba để hội đàm với nhà lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei. Đây là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Điện Kremlin bên ngoài Liên Xô cũ kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

Tại Tehran, ông Putin cũng tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ cuộc xâm lược với một nhà lãnh đạo NATO, Tổng thống Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, để thảo luận về một thỏa thuận nhằm cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen của Ukraine cũng như hòa bình ở Syria.

Chuyến đi của ông Putin, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Israel và Saudi Arabia, gửi một thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây về kế hoạch của Moscow nhằm tăng cường quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với Iran, Trung Quốc và Ấn Độ khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Putin, nói với các phóng viên tại Moscow: “Cuộc tiếp xúc với Khamenei là rất quan trọng. Một cuộc đối thoại tin cậy đã phát triển giữa họ về những vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế. Trong hầu hết các vấn đề, lập trường của chúng tôi khá tương đồng”.

Đối với Iran, quốc gia cũng đang đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và có những bất đồng với Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran và một loạt các vấn đề khác, chuyến thăm của ông Putin là rất đúng thời điểm.

Các nhà lãnh đạo giáo phái của nước này muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Nga khi đối mặt với một khối Arab-Israel do Mỹ hậu thuẫn có thể khiến cán cân quyền lực Trung Đông xa rời Iran hơn.

Một quan chức cấp cao của Iran đề nghị giấu tên cho biết: “Xem xét các mối quan hệ địa chính trị đang phát triển sau cuộc chiến Ukraine, Tehran cố gắng đảm bảo sự ủng hộ của Moscow trong cuộc đối đầu với Washington và các đồng minh trong khu vực”.

Bị thúc đẩy bởi giá dầu cao kể từ sau cuộc chiến Ukraine, Iran đang đánh cược rằng với sự hỗ trợ của Nga, Iran có thể gây áp lực buộc Washington phải nhượng bộ để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tuy nhiên, việc Nga tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc trong những tháng gần đây đã làm giảm đáng kể xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc – nguồn thu nhập chính của Tehran kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng lại các lệnh trừng phạt vào năm 2018.

Hồi tháng 5, Reuters đưa tin xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc đã giảm mạnh do Bắc Kinh ưu tiên nhập khẩu dầu giảm giá từ Nga, khiến gần 40 triệu thùng dầu Iran được lưu trữ trên các tàu chở dầu trên biển ở châu Á và đang tìm kiếm người mua.

Trước khi Tổng thống Putin đến Iran, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và nhà sản xuất khí đốt Nga Gazprom đã ký một biên bản ghi nhớ trị giá khoảng 40 tỷ USD.

Trong khi đó, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc dự kiến ​​sẽ ký một thỏa thuận vào cuối tuần này nhằm nối lại việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine qua Biển Đen.

Nhật Nam