Trồng ngô biến đổi gen cho hiệu quả kinh tế cao tại Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có diện tích ngô lớn nên bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, địa phương này còn chú trọng sử dụng các giống ngô biến đổi gen (BĐG) cho năng suất, chất lượng cao để giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập.

Nông dân được lợi

Ngay trong vụ đông xuân đầu tiên áp dụng giống BĐG, tỉnh Vĩnh Phúc đã trồng thử nghiệm trên 150ha và bước đầu cho thấy sự phát triển và hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống ngô thường.

Tại xã Vĩnh Sơn – huyện Vĩnh Tường, các hộ dân được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm trồng ngô chuyển gen NK4300 Bt/GT trong vụ đông xuân vừa qua đang háo hức chuẩn bị thu hoạch vụ ngô đầu tiên. Ông Phùng Văn Chác (thôn 4, xã Vĩnh Sơn) rạng rỡ cho biết thời điểm nhà ông còn trồng giống ngô cũ, dù phải tốn nhiều thời gian, công sức chăm bón, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu mà trái vẫn không đều, xiêu vẹo. Năm nay chuyển qua trồng 4 sào giống ngô BĐG cho hạt to, đều và đẹp, lại không bị sâu phá hoại khiến gia đình ông rất phấn chấn. Theo ghi nhận của ông Chác, so với giống ngô thuần, ngô BĐG NK4300 Bt/GT cho thu hoạch sớm hơn gần 1 tháng; hơn nữa trong cả chu kỳ sinh trưởng chỉ phải phun thuốc trừ cỏ 1 lần duy nhất. Các loại bệnh giống ngô thuần thường hay mắc như sâu đục thân, gãy cờ, hại bắp, nấm hại lá… lại không hề xuất hiện trên ngô BĐG NK4300 Bt/GT.

Ông Hạ Văn Trường – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết sắp tới địa phương này sẽ khuyến khích bà con mở rộng diện tích ngô BĐG; đồng thời tích cực hỗ trợ bà con về khâu mua giống cũng như cày đất, gieo trồng….

Riêng trên địa bàn xã Văn Tiến hiện có 149 hộ thử nghiệm trồng giống ngô BĐG trên diện tích 10ha. Sau thu hoạch, vì quá hài lòng với giống ngô này nên nhiều gia đình có nguyện vọng sẽ tiếp tục trồng trong những vụ tới. Bà Tạ Thị Luyến (thôn Đống Cao, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc) cho biết được khuyến nông tỉnh hỗ trợ về giống nên trong vụ đông xuân bà đã mạnh dạn trồng thử 4 sào ngô giống NK66 Bt/GT. Kết quả vượt trên mong đợi của bà khi cây cho bắp ngô đều, hầu như không bị sâu mọt; khâu làm cỏ không còn là mối bận tâm nữa; đặc biệt cây tăng trưởng nhanh, khỏe, dẻo dai trong thời tiết khắc nghiệt nên cho năng suất cao. “Trong vụ tới dù không được hỗ trợ về giống tôi cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua giống để tiếp tục canh tác ngô BĐG trên diện tích lớn hơn” – bà Luyến cho hay.

Sức hút từ hiệu quả kinh tế vượt trội

Theo Trung tâm Khuyến nông&Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc, vụ đông xuân năm nay địa phương chủ động phối hợp với Công ty Syngenta Việt Nam triển khai trồng thử nghiệm 150ha ngô BĐG trên địa bàn. Ngay trong vụ đầu tiên giống ngô BĐG đã thu hút gần 2.700 hộ tham gia trồng trên 21 mô hình. Để khuyến khích các hộ gia đình mạnh dạn tham gia trồng thử nghiệm, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ toàn bộ tiền giống (210.000 đồng/kg) cho bà con.

Vào mùa thu hoạch, qua hạch toán sơ bộ hiệu quả kinh tế trên 1 sào Bắc Bộ (360m2) cho thấy năng suất ngô BĐG đạt khoảng 185kg/sào (xấp xỉ 5 tấn/ha), cao hơn so với mức 160kg/sào của ngô thường; đặc biệt hiệu quả kinh tế của các mô hình trình diễn ngô BĐG đạt 173.500 đồng/sào (tương đương 4,8 triệu đồng/ha), cao hơn hẳn so với ngô thường nên bà con nông dân rất phấn khởi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc Lê Văn Dũng cho biết Vĩnh Phúc vốn là tỉnh có truyền thống về phát triển cây ngô đồng nhưng theo thời gian diện tích trồng ngô dần bị thu hẹp do hiệu quả kinh tế mang lại khá thấp. Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành hỗ trợ tiền mua giống ngô BĐG vụ đầu tiên, qua đó giúp bà con có điều kiện triển khai canh tác.

Cũng theo ông Dũng, cây trồng BĐG là một công nghệ tiến bộ của thế giới giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân nên không có lý gì ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc lại không áp dụng. Qua thực tiễn quá trình trồng thử nghiệm cho thấy, bà con rất hài lòng khi trồng giống ngô BĐG. Cái khó hiện nay là giá ngô giống BĐG khá cao (210.000 đồng/kg), đắt gần gấp đôi so với giống ngô lai nên nếu không được tỉnh hỗ trợ về giống, bà con nông dân sẽ khó có cơ hội tiếp cận. Đây cũng là “nút thắt” mà đơn vị cung ứng giống cần nghiên cứu, tháo gỡ nếu muốn đưa giống ngô BĐG ra trồng đại trà.

Kim Phương