Triều Tiên cần khoảng 60 tỷ USD để tái thiết nền kinh tế

Sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un, khả năng tái thiết nền kinh tế của Triều Tiên sau thời gian dài bị cô lập đang rất được chú ý. Các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế tại Citi ước tính, Triều tiên có thể tốn khoảng 60 tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng.

Suốt hàng chục năm qua, thay vì đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Triều Tiên đổ rất nhiều tiền vào các hoạt động quân sự.

“Nếu các cuộc hội nghị gần đây giúp nền kinh tế Triều Tiên mở cửa, 60 tỷ USD sẽ được dùng để xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm đường xá, đường sắt, sân bay, cảng biển, nhà điện, các mỏ, nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn khí”, nhóm phân tích đứng đầu bởi Jin-Wook Kim tại Citi nhận định.

Theo nhóm này, 28 dự án đường sắt cần 24,1 tỷ USD, 33 dự án đường giao thông cần 22,8 tỷ USD và khoảng 10 tỷ USD cho 16 nhà máy điện. Trong đó, chi phí để tái thiết các dự án này ngay lập tức sẽ vào khoảng 11,6 tỷ USD.

Lý do Triều Tiên cần chi số tiền khổng lồ cho cơ sở hạ tầng là các lệnh trừng phạt, sự cô lập đã làm gián đoạn các hoạt động giao thương quốc tế và đầu tư của đất nước này. Đồng thời, chính quyền Triều Tiên đầu tư rất ít cho cơ sở hạ tầng, thay vào đó họ đổ tiền vào các hoạt động quân sự suốt hàng chục năm qua. Giai đoạn 2005 – 2015, Triều Tiên là quốc gia chi tiền vào quân sự cao nhất so với GDP trên thế giới, với 23%.

Theo các nhà phân tích, việc Triều Tiên bình thường hóa quan hệ với phần còn lại của thế giới sẽ giúp quốc gia này tiếp cận với nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho cơ sở hạ tầng. Đồng thời, nhiều lợi ích trong các hoạt động xuyên biên giới với Hàn Quốc trong ngắn hạn sẽ giúp giảm chi phí thống nhất trong dài hạn.

Bên cạnh đó, quá trình tái thiết cũng tác động tới các nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc. Trong ngắn hạn, quá trình này sẽ làm tăng nhu cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực xây dựng và cung cấp vật liệu xây dựng. Về trung hạn, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể sử dụng cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp tại Triều Tiên để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở quốc gia này, như hoạt động khai thác mỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Citi cho rằng, tác động của việc Triều Tiên tái thiết đến kinh tế Hàn Quốc là không lớn.

Minh Đường