Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tích cực trong các năm tới
Các chuyên gia kinh tế Thái Lan đưa ra dự báo năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bỏ xa các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, bất chấp đà suy giảm xuất khẩu trong khu vực có thể sẽ chạm đáy.
Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000 – 2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Tính riêng 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2015 – 2019), xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD, cao hơn cả kim ngạch xuất nhập khẩu của 15 năm trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014). Nếu so với thời điểm Việt Nam bắt đầu đổi mới, xuất nhập khẩu đã cao gấp 170 lần; so với thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN, xuất nhập khẩu cao gấp 37 lần; so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO (năm 2007), xuất nhập khẩu cao gấp 5 lần.
Một “điểm sáng” khác là sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu), từ năm 2012 đến nay cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đổi chiều, đạt thặng dư liên tục (xuất siêu).
Các chuyên gia kinh tế thuộc Tập đoàn ngân hàng đầu tư Maybank Kim Eng dự báo năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ bỏ xa các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, bất chấp đà suy giảm xuất khẩu trong khu vực có thể sẽ chạm đáy.
Trong khi mục tiêu tăng trưởng hàng năm của Việt Nam được đặt ra là sẽ giảm còn 6,6% trong các năm 2020 và 2021, thấp hơn mức ước tính 7% trong năm 2019 thì trong một báo cáo gần đây, các nhà kinh tế Linda Liu và Chua Hak Bin vẫn khẳng định triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất tích cực.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhờ vào những tín hiệu khả quan trong quan hệ thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc và sự phát triển của thị trường công nghệ toàn cầu. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó ngành chế biến chế tạo và xuất khẩu có nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2020, khi các nhà máy của các nhà đầu tư FDI đến Việt Nam từ năm ngoái bắt đầu đi vào hoạt động và tạo ra sản lượng thực tế.
Bên cạnh đóng góp của các nhà máy mới, các chuyên gia cũng chỉ ra nhu cầu nội địa tăng cao cộng với sự bùng nổ trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.
Thúy Hà