Triển vọng kinh tế Việt Nam những năm tới rất tích cực

Chiều ngày 17/12 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức buổi công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế bán thường niên. Theo đó, dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.

WorldBank khẳng định tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì nhờ khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh.

Đánh giá kinh tế Việt Nam đạt những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại, WB nhận định, với mức tăng trưởng khoảng 6,5% trong những năm tới đây, triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam là rất tích cực.

Dự báo của WB tương đương số liệu ADB và Chính phủ đưa ra gần đây. Tuần trước, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,9% năm nay. Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10, Chính phủ cho biết nhiều khả năng GDP Việt Nam đạt trên 6,8%, trong khi mục tiêu đưa ra là 6,6-6,8%.

Đánh giá về khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu của WB khẳng định, tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì nhờ khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 – cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với mức bình quân thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ đô la Mỹ (USD)/tháng.

Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình cũng là yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh với mức lương dần tăng lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng thời kỳ.

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trước mắt và trong trung hạn, ông Jacques Morriset, Chuyên gia kinh tế trưởng WB nhấn mạnh, với mức tăng trưởng khoảng 6,5% trong những năm tới đây, triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam là rất tích cực. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế vẫn khá vững vàng, Chính phủ đã tạo được dư địa tài khóa nhất định thông qua chính sách tài khóa thận trọng.

Tuy nhiên, quốc gia vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc bên ngoài. Bằng chứng là tăng trưởng xuất khẩu đã giảm từ 21% xuống còn 8% từ năm 2017 đến năm 2019. Tăng trưởng xuất khẩu cũng giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng đầu năm 2019. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với hai năm trước đây, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán sát nhập (M&A).

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định rằng, để gia tăng thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, Chính phủ cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, hạn chế sự phát triển; trong đó, cụ thể nhất và rõ ràng nhất là khả năng tiếp cận tín dụng.

“Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới”, ông Ousmane Dione khuyến nghị.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của WB cũng cho rằng Việt Nam cần phát triển các thị trường vốn vận hành tốt, làm nền tảng cho sự thịnh vượng trong tương lai. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả ở khu vực Đông Á, thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bổ sung cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động vốn. Điều này góp phần nâng cao khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống tài chính nhờ đảm bảo thanh khoản sâu hơn và đa dạng hóa được rủi ro.

Mặc dù các thị trường vốn ở Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhỏ so với Thái Lan và Malaysia. Báo cáo cũng khuyến nghị 5 lĩnh vực mà các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm để đẩy mạnh sự phát triển của các thị trường vốn, bao gồm: hiện đại hóa nền tảng và hệ thống quy phạm pháp luật về thị trường vốn; cải thiện quản trị và công bố thông tin; mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư; phát triển các sản phẩm sáng tạo; và tăng cường vai trò của Chính phủ trong phát triển các nguồn huy động tài chính dài hạn.

Khánh Hà