Triển khai Quyết định 15/2020/QĐ-TTg: Bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng
Đó là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu ra tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành trong cả nước nhằm triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động, ngày 24/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội với gói hỗ trợ có kinh phí hơn 62.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ rất toàn diện, thể hiện chủ trương nhân văn của Đảng, vai trò của Nhà nước trong việc luôn quan tâm chăm lo tới đời sống của người dân.
Xoay quanh vấn đề xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, các điều kiện tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu việc hỗ trợ cần bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Bên cạnh các nhóm đối tượng đã rõ căn cứ, các Bộ, ngành cũng sẽ sớm ban hành văn bản, thông tư hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng khác. “Bên cạnh quy định đúng, minh bạch, các địa phương cần triển khai chính sách hỗ trợ một cách khẩn trương, kịp thời. Tôi xin nói người dân mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói, cần phải hỗ trợ ngay” – Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Về triển khai cho các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị trước 30/4, các tỉnh thành phải triển khai hỗ trợ xong cho 4 nhóm đối tượng (hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội). “Nói như vậy không có nghĩa là các nhóm đối tượng khác không được triển khai hỗ trợ ngay. Đặc biệt, lao động tự do gặp khó khăn đang cần được ưu tiên triển khai càng sớm càng tốt” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý không phải người dân nào mất việc, mất thu nhập đều được hỗ trợ mà chỉ thực hiện hỗ trợ người dân có mức sống và thu nhập dưới mức tối thiểu giờ lại bị mất việc làm, mất đi sinh kế. Về mức hỗ trợ và thủ tục hỗ trợ đối với một số đối tượng, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết về nguyên tắc không cấp hỗ trợ cho tất cả những lao động ngừng việc hoặc hoãn hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp mà trên tinh thần doanh nghiệp, người lao động và nhà nước cùng tham gia chia sẻ, chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khó khăn tài chính, không đủ khả năng tài chính để trả lương cho người lao động.
Tùy từng địa phương với những nhóm đối tượng nào, công việc nào mà có điều kiện khó khăn cần hỗ trợ, thì các địa phương có thể quyết định tuy nhiên sử dụng nguồn kinh phí ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác. Đơn cử như đối với nhóm lao động tự do, cần phải có điều kiện cư trú hợp pháp, là tạm trú hoặc thường trú, tuy nhiên có trường hợp là 1 người lao động tự do tạm trú ở 1 nơi và thường trú ở 1 nơi thì vẫn cho phép lao động đó nhận trợ cấp ở 1 trong 2 nơi. Tuy nhiên thủ tục yêu cầu tránh hưởng 2 lần thì cần có xác nhận của nơi thường trú hoặc nơi tạm trú xác nhận không nhận ở nơi kia.
Các hộ kinh doanh ngừng kinh doanh theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền (UBND cấp tỉnh). Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định các hộ kinh doanh trong thời gian ngừng kinh doanh sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Chỉ hỗ trợ cho các hộ kinh doanh có kê khai thuế về doanh thu, và mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thực tế, có thể làm tròn, trên 15 ngày có thể làm tròn thành 1 tháng.
Đối với đối tượng doanh nghiệp vay để trả lương, doanh nghiệp khó khăn không có khả năng chi trả, ngân hàng chính sách với gói hỗ trợ sẽ cho vay không thế chấp, với mức vay là 50% mức tiền lương tối thiểu chung của vùng, 1 người lao động ngừng việc 1 tháng, mức vay tối đa là 3 tháng và thời gian để trả nợ là 12 tháng và mức lãi suất 0%. Trường hợp này, chỉ cho vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc. Điều kiện để vay có điểm lưu ý là doanh nghiệp phải trả trước 1/2 mức lương tối thiểu vùng cho người lao động rồi, và phần cho vay sẽ chi nốt 1/2 mức lương tối thiểu vùng. Tất cả các mức hỗ trợ đều chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của người lao động, chứ không chuyển về doanh nghiệp.
Liên quan tới quá trình giám sát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tham gia giám sát ngay từ đầu trong việc rà soát lên danh sách hỗ trợ, chứ không chờ lập xong danh sách mới giám sát. Về phía Bộ LĐ-TB&XH sẽ lập đường dây nóng và một trang thông tin điện tử để cập nhật, giải đáp các vướng mắc của nhân dân. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn không có vi phạm xảy ra, không có tình trạng phải khởi tố trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ. Tuy nhiên nếu có thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm về mặt Đảng, hành chính; trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.
Ân Thuyên