Trao đổi thương mại Việt Nam – Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng bất chấp Covid – 19
Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với trao đổi thương mại song phương đạt 165,8 tỷ USD, tăng tới 24,6% so với năm 2020. Con số này càng trở nên ấn tượng hơn, đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 gây tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại toàn cầu…
Trong năm qua, nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, dẫn đầu là mặt hàng điện thoại và linh kiện, theo sau là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản; rau quả; hạt điều; cà phê; chè; gạo; sắn và sản phẩm sắn; cao su, sản phẩm từ cao su… Trong đó, rau quả và cao su là 2 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Lũy kế năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới (chỉ sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia). Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm qua Việt Nam chi gần 110 tỉ USD để mua hàng hóa từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020.
Ở chiều nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong năm qua cũng chứng kiến mức tăng kỷ lục; riêng thị trường này chiếm đến 33,1% tổng kim ngach nhập khẩu cả nước trong năm 2021, cao gần gấp 2 lần so với thị trường đứng thứ hai là Hàn Quốc.
Thống kê cho thấy hầu hết các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam đều có sự góp mặt của thị trường Trung Quốc. Có tới 17 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm lên đến hàng chục tỉ USD. Cụ thể, nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có kim ngạch lớn nhất với kim ngạch đạt 24,92 tỉ USD, tăng mạnh 46,4% so với năm trước, chiếm 53,8% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 21,86 tỉ USD.
Ngoài ra, một số nhóm hàng nhập khẩu lớn khác đến từ thị trường này như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,24 tỉ USD; vải hơn 9 tỉ USD; sản phẩm từ chất dẻo hơn 4 tỉ USD…
Theo ghi nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 và những khó khăn, trở ngại trong khâu kiểm soát dịch bệnh cũng như trong hoạt động giao thương giữa hai nước, thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng. Có được thành công này là nhờ những lợi thế về quan hệ thương mại truyền thống cũng như những nỗ lực của các Bộ, ban ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy các hoạt động thương mại song phương. Chưa kể hợp tác thương mại giữa hai nước có sự phát triển là nhờ ưu thế vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa, thói quen tiêu dùng….
Việt Hùng