Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất năm 2019 và áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại

Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa công bố thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm năm 2019. Theo đó, Top 5 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất vẫn không có sự thay đổi nào so với năm ngoái; tuy nhiên thị phần của 5 “ông lớn” này đang dần sụt giảm nghiêm trọng trước sự đổ bộ của các công ty ngoại

Thị phần môi giới HoSE năm 2019 xuất hiện nhiều cái tên “lạ”

Cụ thể Top 5 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất năm 2019  vẫn là những cái tên quen thuộc như: SSI, HSC, Bản Việt, VNDIRECT, MBS. Trong đó SSI tiếp tục đứng ở vị trí số 1, xếp tiếp theo lần lượt là HSC, VCSC, VNDS và MBS. Điều bất ngờ là mặc dù thứ tự xếp hạng của Top 5 năm nay không có gì thay đổi so với năm 2018 song thị phần của từng công ty đã bị thu hẹp, dẫn đến tổng thị phần của Top 5 đã giảm mạnh so với năm 2018 (53,83%), chỉ còn 44,27%.

Đáng chú ý nhất là Công ty Chứng khoán SSI, mặc dù đứng ở vị trí số 1 với 13,96% thị phần, nhưng mất đi 1/4 “miếng bánh” vào tay đối thủ khác. Tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ thị phần bị mất đi của công ty giữ ngôi vị thứ 3 là Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Tiếp đến là Công ty Chứng khoán MB (MBS). Mặc dù kết thúc năm 2019 ở vị trí thứ 5 như năm 2018 với tỷ lệ thị phần là 4,77% nhưng công ty chứng khoán được tái cấu trúc thành công này đã chứng kiến thị phần giảm tới 15,27% so với năm 2018. HSC và VNDS tương ứng giữ vị trí thứ 2 và 4 trong năm nay với tỷ lệ thị phần là 10,54% và 6,81% có mức giảm thị phần ở mức 6,2% và 6,8%.

Nếu xét ở Top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất năm 2019 có tới 4 thay đổi so với năm trước khi SHS, ACBS, FPTS, BSC đã không còn giữ được vị trí, thay vào đó là các gương mặt mới như như Mirae Asset (4,47%), VPS (3,94%), BOS (3,13%), KIS (3,08%).

Sự xuất hiện của những cái tên mới, nổi bật là nhóm công ty đến từ Hàn Quốc (Mirae Asset, KIS, KBSV) trong Top 10 đang tạo sức ép cạnh tranh lớn lên các công ty chứng khoán trong nước. Quý 3/2019, dư nợ cho vay margin của Chứng khoán Mirae Asset lên tới 6.566 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên trên thị trường Việt Nam có một công ty chứng khoán vốn ngoại vươn lên đầu bảng về dư nợ margin. Trong quý 4/2019, Mirae Asset đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ lên gần 5.500 tỷ đồng, qua đó vượt qua SSI trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Trước đó, KBSV (tiền thân Chứng khoán Maritime) cũng liên tục tiến hành tăng vốn trong giai đoạn cuối năm 2018 và đầu năm 2019 lên 1.675 tỷ đồng, qua đó lọt top 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Ngoài Mirae Asset và KBSV, trong Top 10 công ty chứng khoán vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam còn có sự hiện diện của một cái tên Hàn Quốc khác là Chứng khoán KIS với vốn điều lệ 1.897 tỷ đồng.

Với tiềm lực tài chính hùng hậu từ công ty mẹ, các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc mau chóng trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các tên tuổi trong nước, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay.

Túc Trà