Tổng thống Indonesia ca ngợi nền kinh tế nước nhà
Trong một bài phát biểu thường niên trước Quốc hội, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo đã nói rằng Indonesia đang đứng ở “đỉnh cao” của vai trò lãnh đạo quốc tế và nền kinh tế của nước này đủ mạnh để chống chọi với những cơn gió ngược toàn cầu.
Với giọng điệu lạc quan trước thềm ngày Quốc khánh lần thứ 77 của Indonesia vào ngày 17 tháng 8, ông Widodo hôm thứ Ba cho biết rằng các nền tảng kinh tế cơ bản của đất nước vẫn mạnh mẽ “giữa thời kỳ hỗn loạn kinh tế toàn cầu” và “các cuộc khủng hoảng ám ảnh thế giới”.
Về vấn đề giá cả tăng cao, nhà lãnh đạo Indonesia cho biết lạm phát đã lên tới 4,9% trong tháng 7, so với 7% của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 9% ở các nước phát triển.
Ông Widodo cho biết quốc gia Đông Nam Á này cũng đã chứng kiến tầm vóc của mình trên trường quốc tế nhờ kết quả của việc họ liên tục vị trí chủ tịch G20 và vai trò chủ tịch ASEAN vào năm tới.
Deni Friawan, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mô tả bài phát biểu là “rất lạc quan và tự tin”.
Giống như phần lớn thế giới, Indonesia đã phải đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm chiến tranh Ukraine và nhu cầu tiêu dùng cao sau đại dịch COVID-19.
Trong bài phát biểu của mình, ông Widodo cho biết vị thế quốc tế ngày càng tăng của Indonesia kéo theo sự quan tâm ngày càng tăng đến các ngành công nghiệp hạ nguồn của nước này, liên quan đến việc chế biến các nguyên liệu thô dồi dào như dầu thô và niken để cho phép xuất khẩu các thành phẩm đắt tiền hơn.
Ông Widodo cho biết nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng 5,44% trong quý 2 năm 2022, với thặng dư khoảng 364 nghìn tỷ IDR (24 tỷ USD).
Xuất khẩu thép đạt 306 nghìn tỷ IDR (20,7 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 18 lần so với năm 2016 và dự kiến đạt 440 nghìn tỷ IDR (27 tỷ USD) vào cuối năm 2022.
Friawan, nhà nghiên cứu của CSIS, cho biết sự tập trung của chính phủ vào ngành công nghiệp hạ nguồn đã có những kết quả gây tranh cãi.
Ông nói: “Tổng thống chỉ nhìn thấy thành công của niken hạ nguồn từ quan điểm tăng cường đầu tư và xuất khẩu thép, chứ không tính toán kỹ giá trị gia tăng mà Indonesia thực sự nhận được. Hãy nhớ rằng, có nhiều tài nguyên thiên nhiên không có nghĩa là Indonesia có thể cạnh tranh để sản xuất công nghiệp và chế tạo từ đầu vào là tài nguyên thiên nhiên. Để có thể cạnh tranh, bạn cũng cần có công nghệ hỗ trợ, kỹ năng, năng lực và quy mô kinh tế”.
Widodo cũng đề cập đến dự án di sản của ông về Nusantara, thành phố thủ đô mới được đề xuất của Indonesia ở Borneo. Dự án với mục tiêu huy động 80% kinh phí từ tư nhân đã gây tranh cãi, với một số nhà chỉ trích cho rằng nó sẽ khiến người bản địa phải di dời và dẫn tới sự tập trung quyền lực vi hiến.
Siwage Dharma Negara, thành viên cấp cao tại Viện Iseas-Yusof Ishak, nói với Al Jazeera: “Điều thú vị theo quan điểm của tôi là Jokowi vẫn cam kết thực hiện dự án lớn này trong bối cảnh tình hình kinh tế không ổn định, cả bên trong và bên ngoài. Tổng thống vẫn lạc quan về khả năng kinh tế của chúng ta có thể vươn lên sau đại dịch trong khi vẫn khuyên rằng chúng ta cần phải cảnh giác và cẩn thận đối với các điều kiện rất không chắc chắn”.
Ngọc Anh