Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường ký kết Quy chế phối hợp, hướng tới bảo vệ quyền lợi của khách du lịch
Là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao, những năm qua ngành Du lịch luôn tích cực phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng để xử lý triệt để mọi vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho du khách. Động thái mới nhất là lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch (TCDL) và Tổng cục Quản lý thị trường (TCQLTT) tại Hà Nội nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của du khách.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng Cục trưởng TCDL cho biết 5 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng đột phá cả về khách quốc tế (tăng 2,3 lần), khách nội địa (tăng 1,5 lần), tổng thu từ khách du lịch tăng 2,2 lần, du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 9,2% GDP. Tỷ lệ thuận với sự phát triển của ngành, việc bảo đảm quyền lợi, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch bị ép giá, lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm…làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải làm sao đảm bảo cho du khách trong nước và quốc tế đến Việt Nam thực sự tin tưởng và an toàn mua sắm dịch vụ. Đây là nhiệm vụ không phải của riêng ngành Du lịch mà cũng là nhiệm vụ chung của lực lượng QLTT. Xuất phát từ yêu cầu này, thời gian qua ngành Du lịch và ngành Thương mại – QLTT đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn hoạt động, hướng đến phục vụ người tiêu dùng – khách du lịch với các sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng. Cụ thể TCDL và TCQLTT cùng các cơ quan liên quan đã phối hợp triển khai một số ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới như: “Thẻ Việt – Một thẻ quốc gia”; ứng dụng “Du lịch Việt Nam”, “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”…
Theo ghi nhận của ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng TCQLTT, việc ký kết quy chế phối hợp giữa TCDL và TCQLTT là một dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên lên tầm cao mới, từ đó nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam. Thông qua ứng dụng và quy chế phối hợp giữa hai bên, không chỉ TCDL và TCQLTT mà cả các Sở quản lý nhà nước về du lịch và các Cục QLTT ở địa phương cũng có cơ sở hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về thị trường phục vụ khách du lịch ở cơ sở. “Thời đại công nghệ số, du lịch trực tuyến ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và chính điều này đã tạo điều kiện cho gian lận thương mại trên môi trường internet thường xuyên xảy ra, đơn cử như việc du khách đặt tour trên mạng rồi bị hủy, mất tiền oan. Việc kiểm soát gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử là nhiệm vụ chung của các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, trong đó có TCQLTT. Do đó, việc xây dựng ứng dụng Du lịch an toàn sẽ giúp cho thông tin được nhanh hơn, giúp lực lượng QLTT nhận được thông tin kịp thời để xử lý; và sự hợp tác giữa TCDL và TCQLTT là rất phù hợp và hữu ích, giúp xây dựng thị trường du lịch văn minh và an toàn” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Theo Quy chế phối hợp được ký kết, TCDL và TCQLTT thống nhất: Tiếp nhận và xử lý những phản hồi liên quan đến các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định của pháp luật. Cùng trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu về các phương thức, thủ đoạn hoạt động xâm phạm quyền lợi của khách du lịch; phối hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch; phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trên phạm vi cả nước. Chú trọng xây dựng, phát triển ứng dụng dùng chung trên nền tảng số và công nghệ tiên tiến để có thể tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch; đồng thời ưu tiên, khuyến khích ứng dụng công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới do hai bên phát triển
Kim Sơn