Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm khuyết tật có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự
Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Hiện Dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể Khoản 2, Điều 33 Chương II, điều 31 Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) định nghĩa các tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm: tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm; tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm; tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm có khuyết tật cho người tiêu dùng.
Khoản 1, Điều 31 Dự thảo Luật định nghĩa sản phẩm có khuyết tật bao gồm: sản phẩm có khuyết tật nhóm A là sản phẩm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng; sản phẩm có khuyết tật nhóm B là sản phẩm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng.
Khi phát hiện sản phẩm có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có trách nhiệm thông báo cho người tiêu dùng và công bố công khai tại các địa điểm kinh doanh và trang thông tin, ứng dụng điện tử (nếu có). Tự mình hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực liên quan có trách nhiệm tiến hành kịp thời mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm có khuyết tật trên thị trường. Thông báo công khai về sản phẩm có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hoá đó được lưu thông với các nội dung: mô tả sản phẩm phải thu hồi; lý do thu hồi sản phẩm và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra; thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi sản phẩm; thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của sản phẩm; các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi sản phẩm.
Ngoài ra các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực liên quan trước khi thực hiện việc thu hồi; thực hiện việc thu hồi đúng nội dung đã báo cáo, thông báo và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực liên quan cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi sản phẩm có khuyết tật có trách nhiệm giám sát việc thực hiện để bảo đảm việc thu hồi được thực hiện đúng nội dung đã thông báo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và phù hợp với quy định của pháp luật; trường hợp việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực liên quan ở trung ương có trách nhiệm giám sát.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra được quy định tại Điều 33 Luật này. Cụ thể các tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, lỗi; trừ trường hợp quy định tại Điều 34 của Luật này (Tổ chức, cá nhân kinh doanh được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng)
Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm; hay tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thì tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc trực tiếp cung cấp sản phẩm có khuyết tật có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư Tp.Hà Nội), sản phẩm khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và lưu trữ là loại khuyết tật dễ xảy ra đối với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng cho đến những hàng hóa xa xỉ phẩm như ô tô, điện thoại, xe máy… Nếu như một số khuyết tật ảnh hưởng trực tiếp tới việc sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng (các lỗi kỹ thuật liên quan đến phanh, dầu động cơ của xe máy, ô tô…) thì cũng có một số khuyết tật dù không trực tiếp ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng lại gây ra tâm lý hoang man, lo ngại nơi người tiêu dùng.
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng mua trúng sản phẩm hàng hóa có khuyết tật, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 99/2011 của Chính phủ quy định nhà sản xuất có trách nhiệm phải thu hồi sản phẩm bị lỗi. Trong trường hợp hàng hóa cung cấp không đảm bảo chất lượng, nhà sản xuất có trách nhiệm đổi hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng. Nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại, việc bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Việt Hoàng