TKV và bài toán chuyển đổi từ mô hình “sản xuất than” sang “sản xuất – thương mại than” nhằm hạn chế nhập khẩu
Theo tờ trình gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư 5 năm (2021 – 2025) của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), dự báo trong 5 năm tới nhu cầu tiêu thụ than trong nước vẫn tăng đáng kể. Vấn đề ở đây là năng lực sản xuất than của “ông lớn” ngành than trong nước chỉ có thể đáp ứng được 40-45% nhu cầu, phần thiếu hụt còn lại vẫn phải nhập khẩu…
Cụ thể tổng nhu cầu than trong nước sẽ tăng từ 108,4 triệu tấn năm 2022 lên gần 115 triệu tấn vào năm 2025, 137,3 triệu tấn năm 2030 và 150,5 triệu tấn năm 2040. Ngoài 40-45% đáp ứng được, phần thiếu hụt còn lại TKV phải nhập khẩu để đảm bảo sản lượng cung ứng cho các hộ sản xuất công nghiệp trong nước, nhất là than cho sản xuất điện (than trong nước và pha trộn nhập khẩu cho các nhà máy hiện đã ký hợp đồng cung ứng dài hạn với Tập đoàn). Câu hỏi được đặt ra là tại sao mỗi năm TKV xuất khẩu gần 2 triệu tấn than nhưng vẫn phải nhập hàng chục triệu tấn than về phục vụ sản xuất công nghiệp?
Đầu tiên chúng ta cần biết rằng than dành cho xuất khẩu là than cục, than cám (cám 1, 2 và 3), loại than có chất lượng cao, giá trị cao được sản xuất đồng thời với chủng loại than khác theo dây chuyền công nghệ. Đây là loại than trong nước không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không hết và còn dư. Bình quân mỗi năm TKV sản xuất được khoảng 2- 2,1 triệu tấn than dành cho xuất khẩu. Trong khi đó cơ cấu than xuất khẩu đã giảm từ 17 triệu tấn năm 2011 xuống còn quanh 1 triệu tấn giai đoạn 2016 – 2020. Do nhu cầu trong nước không tiêu dùng hết than chất lượng cao nên việc cho phép TKV tiếp tục xuất khẩu loại than này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, giúp Tập đoàn ổn định sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên và tăng nộp ngân sách.
Một vấn đề cần lưu ý ở đây là giai đoạn 2021 – 2025, bình quân mỗi năm TKV xuất khẩu gần 2 triệu tấn than chất lượng cao, trong khi nhập về tới 70-75 triệu tấn than chất lượng kém hơn cho sản xuất công nghiệp – một con số hoàn toàn vượt xa khả năng sản xuất trong nước. Để giải bài toán khó này, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp – cơ quan chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại TKV đã đề nghị “ông lớn” ngành than nhanh chóng xác định, hoạch định các giải pháp kỹ thuật để từng bước chuyển đổi mô hình từ “sản xuất than” sang “sản xuất – thương mại than”.
Phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị TKV phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh, sử dụng than khai thác làm nguyên liệu cho sản xuất điện, phân bón… cũng như hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ cấu thị trường, sản phẩm. Về phía Bộ Công Thương đề nghị Tập đoàn cần đánh giá kỹ hơn việc cung ứng than cho sản xuất điện, phân bón khi còn tồn tại, khó khăn thời gian qua.
Cũng theo tờ trình gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự báo tổng lượng than thương phẩm sản xuất của TKV trong giai đoạn 2021-2025 sẽ vào khoảng hơn 200 triệu tấn. Như vậy bình quân mỗi năm “ông lớn” ngành than sẽ tăng khai thác khoảng trên 1,3 triệu tấn than. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi nhờ một số dự án đầu tư mỏ sẽ hoàn thành, đi vào vận hành sản xuất như: khai thác hầm lò dưới mức -150 mỏ Mạo Khê; dự án mở rộng, nâng công suất mỏ Na Dương; dự án cải tạo mở rộng khai thác lộ thiên Tây Khe Sim…
Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị ngay sau khi Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư 5 năm (2021 – 2025) của TKV được Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn cần bắt tay vào triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng huy động tối đa nguồn lực sẵn có, nguồn lực ngoài Tập đoàn để đầu tư, phát triển, nhất là lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Để chuẩn bị đủ tài nguyên, trữ lượng, TKV cũng cần ưu tiên đầu tư cho hoạt động thăm dò các loài khoáng sản; bám sát nhu cầu thị trường để điều hành sản xuất hợp lý góp phần giảm lượng than tồn kho, nâng cao công tác dự báo để có kế hoạch, hoạt động sản xuất sát thực tế…Bên cạnh đó Tập đoàn cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, quản lý để tiết kiệm tài nguyên, chi phí trong các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh than, khoáng sản…
Quang Bảo