Tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể tiếp tục trong bao lâu?

Khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, nhu cầu đối với một số mặt hàng tiêu dùng và linh kiện công nghệ đã vượt xa nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ ô tô đến thiết bị gia dụng. Sự thiếu hụt này không phải là điều mà người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển quen đối mặt. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây ra lạm phát, bởi vì người tiêu dùng đang cạnh tranh mua hàng trong lúc có ít sản phẩm hơn, điều sẽ làm tăng giá. Câu hỏi lớn là tình trạng thiếu hụt sẽ tồn tại trong bao lâu.

Để có manh mối, các nhà đầu tư có thể tìm đến châu Á, nơi thời gian giao hàng của nhà cung cấp trên các lĩnh vực sản xuất tăng lên trong tháng 6. Sản xuất công nghiệp ở Hàn Quốc và Nhật Bản giảm trong tháng 5. Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của nhóm tại Capital Economics, cho biết: “Tất cả những điều này sẽ củng cố thêm lo ngại rằng nguồn cung không theo kịp với nhu cầu nóng và dẫn tới lạm phát”. Ông nói thêm: “Tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ không biến mất trong một sớm một chiều – ngược lại, chúng có khả năng sẽ tồn tại ở một số hình thức cho đến tận năm 2022”.

Nhưng có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt có thể bắt đầu giảm bớt trong những tháng tới, theo Shearing. Ông chỉ ra dữ liệu khảo sát cho thấy các nhà sản xuất Nhật Bản mong đợi sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất do các nhà sản xuất ô tô dẫn đầu. Các đơn đặt hàng xuất khẩu cho Đài Loan, một nhà sản xuất chất bán dẫn đang thiếu hụt nguồn cung lớn, cũng dường như đã giảm trong những tháng gần đây. Shearing cho biết: “Có nhiều lý do để nghĩ rằng tình trạng khan hiếm ô tô sẽ giảm bớt, và tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong các lĩnh vực khác sẽ bắt đầu giảm trong nửa cuối năm nay”. Đó là một tin tốt cho những ai đang tìm mua một chiếc xe hơi. Nhưng với một số tình trạng thiếu hụt sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới, có lẽ còn quá sớm để các nhà đầu tư kết luận rằng nhu cầu nóng sẽ không phải là yếu tố khiến giá tăng.

Quý Anh