Tình trạng lạm phát nghiêm trọng ở Philippines
Giá cả ở Philippines đang tăng vọt – và ở tốc độ nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác ở Đông Nam Á, ngoại trừ Myanmar – quốc gia bị chiến tranh tàn phá và Lào xã hội chủ nghĩa.
Vào tháng 2/2023, lạm phát đạt 8,6% – giảm nhẹ so với tháng trước – vượt xa mức lạm phát ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Trong khi hầu hết các hộ gia đình đang thắt lưng buộc bụng, hoàn cảnh của các gia đình có thu nhập thấp đặc biệt khó khăn.
Theo thống kê của chính phủ, trong khi các hộ gia đình giàu có hơn ở Philippines chi tiêu chưa đầy 2/5 thu nhập của họ cho thực phẩm, thì những người thuộc 30% thu nhập thấp nhất chi tiêu gần 60% thu nhập của họ cho sinh hoạt.
Theo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đặc biệt được sử dụng để đo lường áp lực chi phí sinh hoạt đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, lạm phát trong tháng 2/2023 đạt mức tương đương 9,7% – không thay đổi so với tháng trước.
Rosario Guzman, người đứng đầu nghiên cứu tại IBON Foundation, một tổ chức tư vấn kinh tế, cho biết Philippines đặc biệt dễ bị lạm phát do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm thuế tiêu thụ cao và chi phí sản xuất và phân phối tăng cao sau khi tư nhân hóa các dịch vụ tiện ích công cộng. Bà nói: “Chính phủ không còn có thể can thiệp vào việc định giá điện và nước. Giá điện của chúng tôi ở mức cao nhất châu Á bên cạnh Nhật Bản”.
Guzman cho biết việc Tổng thống khi đó là Rodrigo Duterte áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả các sản phẩm xăng dầu vào năm 2018, cao hơn mức thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện tại là 12%, đã có tác động đặc biệt nghiêm trọng đến người nghèo.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã bác bỏ những lời kêu gọi đình chỉ thuế VAT hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu, đổ lỗi cho giá xăng cao là do cuộc chiến ở Ukraine và các thế lực bên ngoài khác.
Jonathan Ravelas, cựu giám đốc chiến lược thị trường của ngân hàng BDO và hiện là giám đốc điều hành của eManagement for Business and Marketing Services, cho rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã phơi bày sự phụ thuộc quá mức của Philippines vào thực phẩm nhập khẩu. Ông nói: “Chúng tôi không có an ninh lương thực”, đồng thời lưu ý rằng sự yếu kém của đồng peso so với đồng đô la đã khiến chi phí nhập khẩu tăng cao. Thật không may, không có lối tắt nào cho an ninh lương thực và việc nhập khẩu cũng có giới hạn của nó”.
Trong khi ngân hàng trung ương Philippines đã tăng lãi suất chuẩn lên 6,25%, Ravelas cho biết họ cần phải đi xa hơn nữa để giảm lạm phát. Ông nói: “Theo quan điểm của tôi, Ngân hàng trung ương Philippines vẫn nên tăng lãi suất qua đêm lên gần 7% và không dừng ở mức 6,5%”.
Huy Hoàng