Tiền gửi tại SVB có nguy cơ “bốc hơi”, khách hàng đứng ngồi không yên

Silicon Valley Bank (SVB) – ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với khối tài sản 209 tỷ USD đã chính thức dừng hoạt động vào sáng ngày 10/3. Vụ sụp đổ chấn động này đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và khiến hàng tỷ USD tiền gửi của khách hàng bị “mắc kẹt”. 

Thành lập năm 1983, khách hàng của SVB chủ yếu là các startup công nghệ và các công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon. Ngay sau khi SVB tuyên bố ngừng hoạt động, giới chức California đã đóng cửa ngân hàng này và giao lại cho Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) quản lý. FDIC sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng.

Hậu tiếp quản, FDIC cho biết đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được số tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB. Tuy nhiên, báo cáo mà SVB gửi tới FDIC vào cuối năm 2022 cho thấy có đến 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi nằm ngoài hạn mức bảo hiểm. SVB sụp đổ kéo theo nỗi bất an của những khách hàng có tiền gửi lên tới hàng chục triệu USD tại ngân hàng này bởi FDIC chỉ bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi khoản tiền gửi

Việc không thể rút tiền trả lương nhân viên hoặc chi trả các khoản chi phí khác khiến các khách hàng của SVB rơi vào khủng hoảng. Nỗi sợ này lan rộng sang Canada, Ấn Độ và Trung Quốc. Còn tại Anh, đơn vị của SVB được tuyên bố là mất khả năng thanh toán và ngừng hoàn toàn mọi giao dịch.

Trong hố sâu tuyệt vọng, lãnh đạo của khoảng 180 công ty công nghệ đã gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những khoản tiền gửi bị “bốc hơi” có thể khiến ngành công nghệ Mỹ tê liệt và có bước lùi hai thập kỷ. Nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải tuyên bố phá sản chỉ sau một đêm.

Tuy nhiên đây mới chỉ là khởi đầu. SVB cũng có chi nhánh ở Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ấn Độ, Israel, Thụy Điển và các nhà sáng lập cảnh báo sự sụp đổ của ngân hàng có thể “quét sạch” giới khởi nghiệp toàn cầu, nếu không có sự can thiệp của chính phủ.

Trước đó vào sáng thứ Bảy (ngày 11/3), Bộ trưởng Jeremy Hunt đã có cuộc trò chuyện với Thống đốc Ngân hàng Anh; đồng thời tổ chức một cuộc họp bàn tròn với các công ty bị ảnh hưởng.

Cũng như ở Mỹ, một số khoản tiền gửi tại SVB ở Anh đã được bảo hiểm song vẫn chưa rõ khi nào những khoản tiền này sẽ khả dụng.

Sau nhiều nỗ lực chuyển tiền gửi ra khỏi SVB nhưng bất thành, Jack O’Meara – Nhà sáng lập startup về bộ gen Ocher Bio ở London (Anh) đành ngậm ngùi than thở: “Nếu Chính phủ không sớm can thiệp, cả một thế hệ doanh nghiệp có thể bị xóa sổ”.

Các nhà phân tích tại China International Capital cũng lên tiếng cảnh báo không nên đánh giá thấp những hệ lụy khôn lường của sự cố SVB đối với ngành công nghệ. Nói cách khác, tiền gửi rất quan trọng đối với các startup công nghệ vì họ cần nhiều tiền mặt để chi trả chi phí nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như trả lương thưởng cho nhân viên. “Nhiều doanh nghiệp có thể rơi vào căng thẳng dòng tiền nếu khoản tiền gửi bị hao hụt trong quá trình ngân hàng phá sản hoặc tái cơ cấu. Không loại trừ rủi ro các doanh nghiệp này sẽ phá sản” – các nhà phân tích tại China International Capital nhấn mạnh.

Quay trở lại Thung lũng Silicon, ngay khi SVB sụp đổ, Hạ nghị sĩ Mỹ Ro Khanna  đã tổ chức một cuộc họp tại tòa thị chính với sự tham dự của các chủ startup, lãnh đạo công nghệ và các nhân viên của SVB; hướng nội dung vào việc kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ phải trả lương cho người lao động vào ngày thứ Hai (13/3).

Các khách hàng của SVB ở California thậm chí đã đứng hàng giờ dưới mưa lạnh để chờ đợi câu trả lời của FDIC. Một số nhà sáng lập và nhà đầu tư khởi nghiệp cho biết lo âu khiến họ mất ngủ suốt hai ngày qua.

Đại diện Công ty Công nghệ AcuityAds Holdings có trụ sở tại Toronto (Canada) cho biết hơn 90% tiền mặt (tương đương 55 triệu USD) của doanh nghiệp đang được gửi tại SVB. Lo ngại về cú sụp của SVB khiến Công ty này phải tạm dừng giao dịch cổ phiếu vào thứ Sáu sau khi giá cổ phiếu tụt dốc tới 14%.

Còn theo nhà sáng lập startup Cuckoo – ông Alexander Fitzgerald, tài chính của các công ty khởi nghiệp ở Anh rơi vào căng thẳng do thị trường tài trợ vốn mạo hiểm, chậm lại. Tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” này đòi hỏi Bộ Tài chính phải gấp rút vào cuộc.

Vũ Anh