Thương mại điện tử xuyên biên giới – “Bệ phóng” cho doanh nghiệp vào sân chơi lớn

Bối cảnh toàn cầu hóa, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu. Xu hướng này đã trở thành tất yếu, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc chơi và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Cơ hội rộng mở

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so Nhật Bản. Đây cũng là tiền đề để phát triển TMĐT xuyên biên giới, bởi có đến 33% số người mua hàng trực tuyến đã từng mua một mặt hàng nào đó từ nước ngoài.

Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết để nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nói chung và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nói riêng, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được xem là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu mà không cần tổ chức giao thương trực tiếp. Ngoài ra chuyển đổi số còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, từng bước tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, bán hàng xuyên biên giới. “Khi Hiệp định EVFTA được thực thi, doanh nghiệp Việt sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Do đó, nếu doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ có cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu” – ông Hải khuyến nghị.

Còn theo ông Hoàng Long – Giám đốc Phát triển Kinh doanh Alibaba Việt Nam, trong đợt tháng 3 vừa rồi khi dịch Covid -19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, các hoạt động kinh tế đều bị ảnh hưởng nhưng hệ thống Alibaba.com vẫn đạt mức tăng trưởng tốt với hơn 100% người mua hàng và hơn 15% người bán hàng mới. Điều đó cho thấy thị trường online vẫn cực kỳ tăng trưởng trong khi thị trường truyền thống bị ảnh hưởng.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Thủy – Giám đốc quốc gia Amazon Global Selling Việt Nam nhấn mạnh TMĐT đang phát triển rất mạnh mẽ và chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh tại điểm bán.

Chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Xoay quanh những lợi ích thiết thực mà TMĐT xuyên biên giới đem lại cho doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm kiếm được các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa.

Bất cập ở đây là dù TMĐT xuyên biên giới đã tạo ra hàng tỷ USD cho hoạt động kinh tế của Việt Nam trong những năm qua song việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới mẻ này hãy còn rất hạn chế, thậm chí trở thành rào cản khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt đều e ngại bởi những khó khăn về mặt ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh, đặc biệt là trong khâu thanh toán quốc tế do tỷ lệ sở hữu các thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master của người Việt chưa cao…

Về vấn đề pháp lý, ông Đặng Hoàng Hải cho hay, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động xuyên biên giới không hề dễ, ngay cả với những nước có hệ thống pháp luật tân tiến. Chính vì vậy, để trợ lực cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng TMĐT trực tuyến. Bộ cũng đang thay đổi cách tiếp cận theo hướng không tham vọng có thể tạo ra được khung khổ pháp lý cho tất cả các loại hàng hóa, thương mại nói chung mà sẽ bắt đầu từ những mặt hàng cụ thể đang có lợi thế, sau đó điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thị trường. “Với cách tiếp cận này, sẽ mở ra con đường mới cho TMĐT xuyên biên giới và ứng dụng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện TMĐT; cải cách hành chính, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, tìm kiếm đối tác nhập khẩu…, giúp doanh nghiệp kinh doanh thành công” – ông Hải khẳng định.

Linh Lan