Thương mại điện tử Việt Nam lạc quan giữa mùa đại dịch
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, năm 2019 tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử đạt trên 32% và quy mô thị trường này sẽ vượt con số 15 tỷ USD, bất chấp dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó cả giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30%.
Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4/2020, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, thương mại nội địa và quốc tế gián đoạn. Tuy nhiên, theo VECOM, thương mại điện tử có thể phát triển lạc quan nhờ hai tín hiệu.
Trước hết, đại dịch là chất xúc tác làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Người Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến.
Kế đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này gần như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch. Hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa năm còn lại. Họ cũng hiểu rõ cơ hội mới từ cộng đồng mua sắm đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến.
Xu hướng tại Việt Nam nằm trong diễn biến chung của khu vực. Visa cho biết, tại châu Á – Thái Bình Dương, 41% người tiêu dùng thực hiện hơn 5 giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử trong vòng 3 tháng qua.
“Thương mại khắp châu Á – Thái Bình Dương chuyển dịch mạnh sang kỹ thuật số trong giai đoạn dịch. Từ việc ngày càng có nhiều người đặt nhu yếu phẩm trực tuyến, đến người dùng tìm kiếm những phương thức thanh toán bảo mật, không tiếp xúc tại quầy”, ông Chris Clark, Chủ tịch Visa khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói.
Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho biết các khảo sát Nielsen thực hiện gần đây đã chỉ ra rằng, nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử đã tăng lên rõ rệt kể từ khi đại dịch bùng phát.
Song xu hướng mua online thay đổi khi các số lượng đơn hàng về thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên còn nhóm hàng thời trang, phi thực phẩm giảm đi. Vì thế, giới kinh doanh thương mại điện tử cần thay đổi để phù hợp với xu hướng mới của khách hàng.
Theo đó, có 53% người tiêu dùng trả lời họ mua hàng qua mạng là do có chương trình khuyến mại. Kế tiếp có 30% người mua hàng để bổ sung và gia tăng lượng tích trữ.
Hiện đa số khách hàng mua sắm online là người trẻ trong độ tuổi từ 18 – 29, làm văn phòng và trong đó có 63% là phụ nữ; 88% sử dụng các thiết bị di động và 81% lượng người vẫn thanh toán theo phương thức COD (nhận hàng trả tiền).
Trong thời gian qua, số người lên mạng để mua các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng (FMCG) tăng trưởng mạnh. Vì vậy, FMCG là nguồn tăng trưởng đầy tiềm năng cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bản thân các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng trải nghiệm mua sắm qua ứng dụng di động; xây dựng thói quen mua sắm tích trữ hay bổ sung hàng hóa để dần thay thế cho thói quen mua vì khuyến mại của khách hàng.
Đặc biệt, dù hiện nay đa số người tiêu dùng vẫn có thói quen thanh toán tiền mặt nhưng tương lai việc sử dụng ví điện tử thanh toán sẽ nhiều hơn. Theo số liệu từ công ty Nielsen Việt Nam, trong năm nay đã có khoảng 53% người dùng ví điện tử thanh toán khi mua hàng qua mạng, tăng 28% so với năm 2019.
Còn theo một báo cáo trước đó của Credit Suisse, đến đầu năm 2019, tỷ lệ thanh toán sử dụng tiền mặt trong các giao dịch tiêu dùng tại Việt Nam vẫn lên đến 84%, cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nhưng tổ chức này cũng nhận định Việt Nam có TMĐT phát triển nhanh nên đến năm 2023, thanh toán điện tử có thể tăng lên 6 lần, đạt 16 tỷ USD và chiếm 8% tổng số giao dịch thanh toán và tỷ lệ thanh toán không tiền mặt sẽ tăng từ 16% năm 2019 lên 23%.
Thùy Dương